Cần nhiều biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 220.725 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cần nhiều biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Nhiều tuyến đường ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị, bị chậm tiến độ do khó khăn giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Giải ngân vốn đầu tư công đã đi gần hết 3/4 quãng đường của năm 2021, nhưng tiến độ vẫn rất chậm có thể gây ra thiệt hại về kinh tế, lãng phí của cải xã hội.

Điều này đòi hỏi cần phải các bộ, ngành cần quyết liệt tháo gỡ vướng mắc và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt 220.725 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính đánh giá, con số này là thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại có 10 bộ và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch. Trong số đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam 100%, Thanh Hóa 72,1%, Thái Bình 67,5%, Ngân hàng Chính sách xã hội 67,27%, Nam Định 63,6%, Hưng Yên 61,6%, Lâm Đồng 55,6%.

Bên cạnh đó, 33/50 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó có 21 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, có 4 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cũng cho biết về việc giải ngân một số dự án trọng điểm. Có thể nhắc đến như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay, dự án này đã giải ngân 10.698 tỷ đồng, đạt 46,81% kế hoạch đã giao; trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân là 844 tỷ đồng, đạt 18,11%. Như vậy, tổng số vốn còn lại chưa giải ngân của dự án này lên tới 12.156,2 tỷ đồng.

Hay dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm hết tháng Tám đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 là 7.919 tỷ đồng, đạt 51,9% kế hoạch.

Dự án này cũng đã được bàn giao mặt bằng lên tới hơn 98% và đang thi công những hạng mục trọng điểm.

[Bộ GTVT 'chạy nước rút' giải ngân vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng]

Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2021 còn khá thấp và thấp hơn so với cùng kỳ là do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, nhiều dự án triển khai trên địa bàn các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công.

Điều này đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ tháng Sáu và tháng Bảy.

Ngoài ra, nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân là do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, do thay đổi quy hoạch của địa phương nên một số dự án đến nay chưa giải ngân.

Cần nhiều biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại trên tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) gặp nhiều khó khăn do công tác thu hồi đất và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Hay như tình trạng một số dự án chậm tiến độ do các hoạt động nhập khẩu trang thiết bị, các hoạt động cần sự xác nhận của tư vấn nước ngoài không thực hiện được.

Với nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn tình trạng chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục ghi thu, ghi chi với Kho bạc Nhà nước và thủ tục rút vốn với Bộ Tài chính, nhà tài trợ theo quy định. Còn có dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Một khó khăn khác được chỉ ra là do quy trình triển khai dự án của Việt Nam và phía các nhà tài trợ còn nhiều nội dung chưa thống nhất do quy trình còn khác nhau, dẫn đến việc triển khai phải thực hiện đủ cả 2 quy trình của Việt Nam và của nhà tài trợ, kể cả trong việc kiểm soát chi, giải ngân, đặc biệt là nhóm nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Italy.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, về khách quan, sự bùng phát của dịch COVID-19 tại hầu hết địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, việc phân giao nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng như bộ, ngành cho các ban quản lý dự án chưa hợp lý và thiếu sự kiên quyết, nỗ lực của người đứng đầu các cơ quan đó.

Để thúc đẩy kết quả giải ngân, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.

Đặc biệt, cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, quân xanh, quân đỏ để “bắt tay nhau” trúng thầu dẫn đến lập dự toán khống hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án.

“Ngoài ra, trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định... suốt thời gian dài bị buông lỏng. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nói

Bộ Tài chính cũng kiến nghị cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục