15/3 tới đây được ví như “ngày hội lớn” của du lịch Việt Nam, bởi nó sẽ mở ra chặng đường phục hồi mới cho toàn bộ hoạt động của ngành sau 2 năm tê liệt và các doanh nghiệp mỏi mòn nỗ lực bám trụ đợi đến “hồi thái lai.
Tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh (Chuyên đề I: Mở cửa du lịch linh hoạt-an toàn-hiệu quả), do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay, ngày 11/3, nhiều chuyên gia đã "mổ xẻ" thực tế để cùng đề xuất những giải pháp tối ưu trong giai đoạn mới.
"Không phải cứ nói mở là mở được ngay"
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 là tin vui nhất của toàn ngành du lịch trong 2 năm qua, sau nhiều mong đợi, cố gắng, song vẫn còn những ngổn ngang cần nhanh chóng khắc phục.
“Thời gian qua, chúng tôi đã đi rất nhiều địa phương, nhưng ‘không gian vắng lặng như tờ,’ tất cả các hoạt động đóng cửa, chỉ có thể nói một câu rằng: không có khách. Vì không có khách nên không mở cửa, không hoạt động, không làm gì cả... Vì vậy, chúng tôi muốn nói rằng, mở cửa cho ngành du lịch ngày 15/3 thực chất là mở cửa cho toàn ngành kinh tế của chúng ta. Khi chúng ta đấu tranh làm rõ các vấn đề để du lịch mở cửa được cũng là giải quyết cho tất cả các ngành kinh tế khác,” ông Bình chia sẻ.
[‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt]
Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cũng cho biết tính đến nay, số lượng cơ sở lưu trú trên cả nước chỉ mở khoảng 50-70%, còn lại vẫn trong tình trạng đóng cửa; công suất hoạt động của các cơ sở này nhìn chung vẫn còn thấp và hạn chế...
Chính vì vậy, theo ông Bình, không phải cứ nói mở là mở được ngay, bởi để thu hút du khách đến Việt Nam, các chuyên gia cho rằng vẫn còn hai rào cản. Thứ nhất, về vấn đề visa, hiện Việt Nam đã tạm dừng cấp visa cho khách du lịch khi bắt đầu có đại bệnh bùng phát. Quy định này rất đúng và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng giờ đây khi đã có đầy đủ cơ sở kiểm soát dịch, Chính phủ cũng cho mở cửa thì cần nới lại chính sách visa cho khách vào Việt Nam.
Bởi thực tế, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chính sách thị thực vô cùng thông thoáng. Đơn cử, Indonesia miễn visa cho 157 nước, các nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn visa cho hàng chục quốc gia. Vì thế hầu hết các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành… đều mong muốn Chính phủ khôi phục lại chính sách visa đã có trước năm 2020.
Thứ hai, vấn đề cách ly y tế cũng đang là một trở ngại. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng dịch bệnh lây đến đâu xử lý đến đó, làm phạm vi hẹp nhất có thể để đảm bảo không ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội.
Vừa qua, sau nhiều ý kiến về việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát y tế với người nhập cảnh, Bộ Y tế lại đưa ra đề xuất mới, nới lỏng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này lại không hẳn là tốt.
“Theo đề xuất này, chúng ta không áp quy định những người đã tiêm vaccine mới được vào Việt Nam. Như thế coi như không còn quan tâm đến việc đã tiêm vaccine hay chưa, trong khi cả thế giới vẫn đang dùng ‘hộ chiếu vaccine’ mà Việt Nam lại mạnh dạn bỏ hết thì chúng ta kiểm soát như thế nào?” Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam băn khoăn.
Thêm vào đó, ông Bình nhấn mạnh những chính sách ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực thi và tương đồng với các nước khác, đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch.
Đồng tình với ý kiến của ông Bình, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết trong khi Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra hướng dẫn chính thức cho hoạt động mở cửa du lịch thì các nước như Thái Lan, Singapore, Philippine, Indonesia, Campuchia đều đã có những thông tin rất rõ ràng, công khai, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Theo ông Duy, không phải cứ mở cửa ra là có khách quốc tế ngay, mà doanh nghiệp cần thời gian để làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… Đặc biệt là doanh nghiệp cần có hướng dẫn chính thức về các chính sách nhập cảnh mới để làm việc với đối tác.
Cần khai thác đúng “mỏ vàng”
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group nhận định thời hậu COVID, cơ hội là như nhau cho các quốc gia, nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều cơ hội. "Chúng ta đang quá chậm so với các nước trong khu vực và Việt Nam tự đặt ra quá nhiều rào cản cũng như chưa có sự thống nhất giữa các bộ, nghành để phát triển du lịch như một ngành kinh tế thực sự," ông Hà nói.
Theo ông Hà, trong bối cảnh mới của giai đoạn phục hồi, du lịch di sản chính là tài nguyên du lịch và "mỏ vàng" lớn nhất. Vì vậy, thay vì "ăn mày di sản," Việt Nam cần nâng tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên để thu hút du khách.
“Du khách có xu hướng sống chậm lại, họ tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn, tận hưởng, trải nghiệm giàu cảm xúc và hòa mình vào văn hóa và thiên nhiên bản địa. Chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, thoả mãn họ mọi điểm chạm để khách đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại. Muốn vậy, đến Việt Nam phải dễ dàng hơn, đến rồi được tiêu nhiều tiền hơn, thỏa mãn hơn, vui hơn,” ông Hà chia sẻ.
Vị CEO này cho rằng du lịch từ góc độ doanh nghiệp cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên sáu trụ cột: Gìn giữ tài nguyên môi trường, trách nhiệm văn hóa xã hội, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm trả lương ổn định cho người dân địa phương, khách hàng thỏa mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận. Du lịch có trách nhiệm phải tạo ra điểm đến đẹp hơn để du khách đến thăm quan và trải nghiệm, nơi đáng sống hơn cho người dân địa phương.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, toàn ngành đang hết sức nỗ lực để có thể sẵn sàng cơ sở vật chất, hạ tầng đón khách quốc tế.
“Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên kết nối với các địa phương, tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp để nắm bắt thực trạng. Với những tín hiệu tốt từ các cơ quan quản lý Nhà nước về chủ trương mở cửa lại du lịch, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động, có kế hoạch hoàn thiện cơ sở vật chất, duy tu, phục hồi lại cơ sở vật chất để đón du khách. Đặc biệt là đảm bảo an toàn và phòng chống dịch,” ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết hiện ngành du lịch đã soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng cũng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả.
“Chúng tôi biết Bộ Y tế đang soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, ví dụ như về khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch… Do đó, chúng tôi hy vọng rằng Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành du lịch có thể áp dụng sớm cho việc mở cửa trở lại”, ông Phương nói.
Hiện Bộ ngoại giao cũng đang đề xuất các phương án về thị thực nhập cảnh, Bộ Công an cũng đồng thuận tháo gỡ các quy định đây khó khăn cho ngành du lịch, dừng các biện pháp hạn chế…
Trong khi đó, bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng để phục vụ luồng khách nội địa và khách quốc tế, ngành du lịch cần chuẩn bị điều kiện để nâng cao chất lượng phục vụ. Bởi thời gian vừa qua, lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số nhân sự quay lại làm việc thấp dẫn đến tình trạng lao động phải làm việc luân phiên, đổi ca…
Vì thế, theo bà Khanh, ngành du lịch cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, bà Khanh cho rằng Nhà nước cũng cần hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
“Dù thực tế đã có một vài khách sạn được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68, nhưng về cơ bản vẫn còn nhiều đơn vị chưa tiếp cận được. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc kéo dài thêm hiệu lực của chính sách để có thêm kinh phí hỗ trợ cho người lao động cho những năm tiếp theo,” bà Khanh đề xuất./.