Cân nhắc việc sử dụng máy tính bảng cho học sinh tiểu học

Đề án đưa sách giáo khoa điện tử thay thế sách giáo khoa truyền thống do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đưa ra đang nhận được phản ứng trái chiều của dư luận.
Sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: Minh Tú/TTXVN)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án đưa sách giáo khoa điện tử (sử dụng máy tính bảng) thay thế sách giáo khoa truyền thống vào bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 trên địa bàn. Việc ứng dụng công nghệ vào trường học là xu thế phát triển chung, nhưng đề án của Sở đã gặp sự phản ứng từ dư luận, do thời gian cập rập, kinh phí cao và chưa có đánh giá tác động cụ thể.

Phải đảm bảo giữ được thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc

Theo "Đề án thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 Thành phố Hồ Chí Minh 2014-2015” của Sở Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa điện tử sẽ được đưa vào ngay trong năm học 2014-2015, trong đó, giai đoạn từ tháng 8-10/2014, thành phố sẽ thực hiện nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các chương trình ứng dụng, đầu tư trang thiết bị.

Tuy học sinh thành phố đã nhập học và ngày khai giảng năm học mới đã cận kề, nhưng đề án chỉ mới đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Bà Phan Khánh Linh, một phụ huynh có con học lớp 2 tại quận 12 cho biết bà đang chuẩn bị cho con vào năm học mới như thường lệ thì nghe thông tin việc đưa máy tính bảng vào cho trẻ nhỏ nên rất lo lắng. Đây là đề án lớn, lẽ ra phải nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi rồi mới đưa ra thí điểm, nhưng Sở đã quá vội vàng.

Hiện các trường tiểu học công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh đều đã được kết nối Internet, nhưng chủ yếu phục vụ công tác quản lý. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, để có hiệu quả trong việc đưa trang thiết bị như máy tính bảng vào trường học thì cần phải nâng cấp, cải tiến hệ thống mạng Internet tại các trường, trang bị wifi tốc độ đủ dùng cho 50 máy tính bảng cho từng phòng học... Dự kiến, kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin lên tới 730 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo một phòng giáo dục ngoại thành, với thời gian sát năm học mới như hiện nay, rất khó để có thể triển khai kịp thời các phương án đề ra. Bên cạnh đó, phụ huynh tại các khu vực vùng ven không thể ngay một lúc bỏ ra từ 3 đến 5 triệu đồng để mua máy tính bảng cho con. Do đó, trước mắt, việc này chỉ nên thực hiện ở một số trường có điều kiện về cơ sở vật chất tốt và áp dụng một số môn học để khảo nghiệm và đánh giá.

Tại hội thảo lần đầu tiên giới thiệu về sách giáo khoa điện tử diễn ra vào tháng 7/2014, lãnh đạo các Phòng Giáo dục đã đánh giá chất lượng nội dung, hình ảnh, phông chữ... của sách giáo khoa được trình diễn chưa đạt chuẩn.

Là một người nhiều năm làm quản lý giáo dục và hiện là chủ một cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bà L.M.L cho rằng cần phải cân nhắc kỹ việc trang bị máy tính bảng cho trẻ em, vì ở lứa tuổi này các em khó kiểm soát được hành vi của mình, rất dễ sa đà vào việc vui chơi trên máy.

Theo bà L.M.L, mỗi ngày chỉ nên cho các em tiếp xúc với máy tính bảng khoảng 45 phút đến 1 tiếng để vui chơi, kích thích khả năng khám phá, tìm tòi của học sinh. Việc trang bị máy tính bảng phục vụ riêng cho việc học của học sinh tiểu học rất khó mang lại hiệu quả.


Không nên triển khai đại trà

Nhiều phụ huynh cho rằng việc tích hợp sách giáo khoa vào máy tính bảng là một điều bình thường và nên xem xét. Tuy nhiên, đây là một đề án có liên quan đến kinh phí của phụ huynh, ngân sách nhà nước và sức khỏe của học sinh, nên cần phải cân nhắc kỹ và có lộ trình thực hiện cụ thể. Dù là “thí điểm” nhưng trong Đề án của Sở, toàn bộ 451 trường tiểu học công lập của thành phố sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa điện tử (trong khi số trường ngoài công lập chỉ là 25 trường). Tổng số máy tính bảng cần trang bị cho học sinh là 327.127 chiếc, trong đó ngân sách chỉ hỗ trợ 5.334 chiếc cho học sinh thuộc diện chính sách, còn lại phụ huynh phải tự bỏ kinh phí để mua.

Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), đa số các phụ huynh cho rằng việc bỏ tiền ra mua một chiếc máy tính bảng không phải quá khó khăn với họ. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá về việc ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ khi sử dụng máy tính bảng nên phụ huynh khá lo lắng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở quận 1, tích hợp nội dung sách giáo khoa vào máy tính bảng sẽ giúp học sinh giảm bớt mang vác nặng khi đến trường, đây rõ ràng là lợi ích thực tế. Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc mua một chiếc máy tính bảng chắc chắn không thành vấn đề. Nhưng thành phố có rất nhiều người dân nhập cư, hầu hết lao động phổ thông với thu nhập không cao, việc đầu tư một chiếc máy tính bảng bằng một tháng lương của họ là điều không dễ. Do đó, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ nên nghiên cứu thí điểm áp dụng ở một số trường trong khu vực trung tâm, sau đó có đánh giá toàn diện để xem xét mở rộng.

Trong Đề án của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo không có bất cứ đánh giá tác động về sử dụng sách giáo khoa điện tử, nhìn từ kinh nghiệm các nước khác.

Bà Phan Khánh Linh cho rằng nếu gọi là “thí điểm” thì việc sử dụng máy tính bảng chỉ nên thực hiện ở một số trường có chọn lọc. Sở có thể chọn các trường ở khu vực tiêu biểu cho từng khu vực như trung tâm thành phố và một vài trường ở khu đông người nhập cư, khu công nghiệp... để đầu tư “thí điểm.” Đây là mô hình mới, chưa có đánh giá cụ thể, nên nếu không đạt được mục đích đổi mới toàn diện giáo dục thì việc đầu tư hơn 300.000 chiếc máy tính bảng sẽ rất lãng phí.

Bà Linh cũng cho rằng phụ huynh không muốn mạo hiểm để con em mình làm “vật thí nghiệm” vì chưa có nghiên cứu về tác hại của máy tính bảng đối với sức khỏe, thị lực của học sinh.

Việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay, nhưng không phải bằng mọi giá.

Bà L.M.L cho rằng, trước mắt việc đổi mới giáo dục không nhất thiết phải ứng dụng bằng được công nghệ vào lớp học. Chúng ta có thể nghiên cứu và tìm ra những giải pháp thực tế hơn với khả năng kinh tế của mình, mà không phụ thuộc vào cuộc chạy đua cùng công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục