Cần nghiên cứu thấu đáo nội dung về chế biến sản phẩm dầu khí

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí là chế biến sản phẩm dầu khí, đặc biệt là khâu vận chuyển và chế biến nhưng chưa thấy rõ nét trong dự thảo luật.
Khu khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Khu khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí, nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ưu đãi về dầu khí, quản lý nhà nước về dầu khí...

Trữ lượng dầu trong nước ngày càng ít đi

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức, Đoàn Đắk Lắk cho rằng nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Theo đó, việc ban hành luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện có, phù hợp với tình hình thực tiễn, thông lệ quốc tế. Vì vậy, dự thảo luật cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn về các nhóm chính sách để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí là chế biến sản phẩm dầu khí, đặc biệt là khâu vận chuyển và chế biến dầu khí. Tuy nhiên các nội dung này lại chưa thấy đề cập một cách rõ nét trong dự thảo luật.

Cần nghiên cứu thấu đáo nội dung về chế biến sản phẩm dầu khí ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Đức. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay cho thấy trữ lượng dầu trong nước ngày càng ít đi, đặt ra vấn đề với các đơn vị có liên quan quản trị nguồn tài nguyên quan trọng này như thế nào, công nghiệp chế biến sản phẩm dầu khí trong mối quan hệ với hoạt động tìm kiếm, khai thác dầu khí.

Đại biểu Lưu Văn Đức cũng nhấn mạnh việc làm sao để bảo đảm an ninh năng lượng từ việc phát triển ngành công nghiệp chế biến dầu khí chứ không phải chỉ là hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn thuần. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này.

Cần từng bước làm chủ công nghệ

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Quảng Ngãi cũng phân tích về việc cần từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật, phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Bày tỏ ý kiến về việc cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đại biểu Hương cho hay từ trước đến nay hoạt động nhiều khí hầu như là do đối tác bên ngoài thực hiện, trình độ công nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để thực hiện thăm dò, khai thác dầu khí.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí Việt Nam để chúng ta từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đại biểu cho rằng Việt Nam phải chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển.

Vì vậy, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương nhấn mạnh việc cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật toàn diện hơn về chế định các nội dung cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, từ đó làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn Hà Nội cho rằng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng đảm bảo giá trị vốn có (làm nhiên liệu, nguyên liệu). Đặc biệt, việc quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Theo các đại biểu, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, dự thảo luật cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục