'Cần ngăn hiện tượng lợi dụng chính sách đất đai làm giàu cho cá nhân'

Theo các chuyên gia, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng bậc nhất liên quan đến mọi người dân nên cần quy định chặt chẽ, không để tình trạng lợi dụng chính sách làm giàu cho cá nhân.
'Cần ngăn hiện tượng lợi dụng chính sách đất đai làm giàu cho cá nhân' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nói về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai, phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung thêm các quy định, tạo hàng rào pháp lý vững chắc để ngăn chặn kịp thời hiện tượng “tham nhũng chính sách,” làm giàu bất chính từ đất đai.

Cần “bịt” các lỗ hổng

Tại Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học” diễn ra chiều 21/2, phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trung Lý cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. 

Vì vậy, theo ông Lý, dự thảo Luật lần này cần củng cố cũng như đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước.

“Điều đó cũng có nghĩa là phải có các quy định chặt chẽ nhằm 'bịt' các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân”, ông Phan Trung Lý cho biết.

Với yêu cầu đó, ông Lý đề nghị ban soạn thảo cần xem xét tới một số nội dung còn chưa chặt chẽ. Điển hình như vấn đề tài chính, giá đất quy định tại chương XI. Theo ông Lý, đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Vì thế, dự thảo luật cần phải có cơ chế tính giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương V, khóa XIII.

[63 tỉnh thành chính thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai]

“Hiện nay, trong phần tài chính và giá đất đai chưa giải quyết được các vấn đề như giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất, từ đó dẫn đến việc không triển khai các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân; xảy ra tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng đất,” ông Lý lưu ý.

Liên quan đến quy định sử dụng đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa, theo ông Lý đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc trong quá trình triển khai dự án. Vì thế, để tháo gỡ, dự thảo luật cần phải có các quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. 

Mặt khác, doanh nghiệp cổ phần hóa cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như các doanh nghiệp khác; chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt.

“Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích khác thì phần đất doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng phải thu hồi và tổ chức đấu thầu, đấu giá lại,” ông Lý nhấn mạnh.

Đất đai phải theo cơ chế thị trường

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh đây là lúc đánh giá năng lực của các cơ quan hành pháp, lập pháp trong việc thể chế hóa đất đai từ chủ trương cho đến thực tiễn.

'Cần ngăn hiện tượng lợi dụng chính sách đất đai làm giàu cho cá nhân' ảnh 2Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học” diễn ra chiều 21/2. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ông Hà cũng lưu ý Luật Đất đai có thể coi là bộ luật về vấn đề hết sức cơ bản, nền tảng cho phát triển kinh tế, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và mọi người dân. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần sớm hoàn thiện dự án luật để người dân nào đọc cũng hiểu và thực hiện.

Đề cập đến quyền năng của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, ông Hà cho biết dự thảo luật lần này đã nêu rất rõ và cần giải quyết quy hoạch đất đai với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác. Trên cơ sở đó, dự thảo luật xác định mối quan hệ giữa các quy hoạch để đưa ra nguyên tắc kế thừa, tránh xảy ra xung đột.

Theo ông Hà, đất đai phải theo cơ chế thị trường, tức là khi bán, mua, đấu thầu, đấu giá thì cần sát với cơ chế thị trường và có phương pháp xác định cụ thể để đưa ra được một giá chính xác. Thực tế vừa qua cho thấy có nhiều phương pháp định giá nhưng chưa đưa ra được một giá chính xác dẫn đến rất nhiều bất cập khiến cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý khó giải quyết. Vì vậy, lần này, luật được sửa đổi theo cách định nghĩa thế nào là giá thị trường, phương pháp nào xác định giá bình quân...

Cùng với đó, ông Hà nhấn mạnh theo quan điểm hiện nay sau thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi từ các dự án phát triển. Cụ thể, sau khi tái định cư người dân phải có điều kiện sống, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi theo đúng quy định.

Ngoài ra, ông Hà cũng đề cập tới quy định cho thuê đất trả tiền hàng năm và thuê đất trả tiền một lần, cơ quan soạn thảo cũng như các chuyên gia cần tính toán, đề xuất phương án nào phù hợp hơn. 

Góp ý về nội dung chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền thuê đất trả tiền hằng năm, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội cho rằng cùng với hoạt động giao đất, thì cho thuê đất là một trong các phương thức chuyển giao đất từ Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu một cách bài bản nhất.

Theo bà Nga, trong 2 phương thức thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm thì xét theo khía cạnh quản lý Nhà nước mang lại hiệu quả kinh tế hơn. "Nếu lựa chọn phương thức trả tiền hàng năm thì Nhà nước sẽ chủ động điều tiết nguồn thu hàng năm cho sát với giá biến động thị trường," bà Nga nêu quan điểm.

Cũng theo bà Nga, giá đất trên thị trường trong nhiều năm qua đều có xu hướng tăng, ngay cả thời điểm Nhà nước kiểm soát được những ‘cơn sốt’ đất thì thị trường cũng chỉ giảm về lượng giao dịch, nhưng giá vẫn không hề giảm xuống. "Ở khía cạnh này, thu tiền hàng năm giúp Nhà nước luôn thu đúng, thu đủ tiền thuê đất mà không bị thâm hụt, lãng phí. Trong khi đó, hình thức thuê đất trả tiền một lần hay giao đất có thu tiền một lần không thể điều tiết được giá trị tăng thêm của đất,” bà Nga nhấn mạnh.

Từ khía cạnh quyền lợi của người sử dụng đất, bà Nga cho rằng phương thức  thuê đất trả tiền hàng năm sẽ giúp người sử dụng đất, nhất là các nhà đầu tư non trẻ dễ dàng hơn trong việc thu xếp nguồn thu tài chính cho việc tiếp cận đất đai, cũng như linh hoạt hơn trong việc gia nhập hay rút lui khỏi thị trường.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần xây dựng chính sách buộc người sử dụng đất phải sử dụng và kinh doanh hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí và kém hiệu quả như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục