Cần làm rõ nguồn vốn đầu tư xây đường Hồ Chí Minh

Chiều 14/10, tại phiên họp thứ 22 UBTVQH cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ quy hoạch tổng thể về thủy điện, Thường vụ Quốc hội cho rằng chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn, tổng vốn đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh mà Bộ trưởng GTVT báo cáo là cần thêm tới hơn 24 nghìn tỷ đồng.
Chiều 14/10, tại phiên họp thứ 22 ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ quy hoạch tổng thể về thủy điện, Thường vụ Quốc hội cho rằng chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Loại bỏ 424 dự án thủy điện

Qua rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp, đồng thời không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.

Các ý kiến cho rằng số lượng dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về công suất của các dự án này chỉ khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu 418 dự án bị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án.

Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện chưa quy định rõ ràng. Quy hoạch thủy điện nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế-xã hội.

Đồng tình với việc loại hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, song có ý kiến đề nghị nên xem xét cả dự án thủy điện Bắc Trà My, nếu vẫn đưa vào quy hoạch cần đánh giá về mức độ an toàn.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước kiến nghị, báo cáo cần bổ sung thêm phần thống kê về các sự cố trong các nhà máy thủy điện, kết luận nguyên nhân gây ra sự cố; bổ sung số liệu diện tích đất và chất lượng đất tái định canh cho người dân. Theo ông K’so Phước, qua đi giám sát tại các địa phương cho thấy người dân rất thiếu đất sản xuất và chất lượng đất cũng không tốt, nếu không có đầu tư lớn rất khó phát triển sản xuất, các địa phương rất lúng túng.

Có ý kiến cho rằng, ngoài những yếu tố tích cực, phát triển thủy điện sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm thay đổi quy luật dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến vùng hạ lưu. Để có một bức tranh chung, tổng thể về những tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, xã hội, cần bổ sung thêm các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó nêu rõ cả vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chuẩn bị tốt dự thảo Nghị quyết trước khi báo cáo Quốc hội.

Cần thêm 24.000 tỷ đồng để thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Cho ý kiến về Tờ trình Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Thường vụ Quốc hội nhận định:  Dự án được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết về việc lựa chọn hướng tuyến, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm.

Dự án đã được xem xét và phân kỳ đầu tư một cách tương đối hợp lý cho từng đoạn tuyến căn cứ vào nhu cầu phát triển, khả năng cân đối vốn và tính phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ toàn quốc. Từ khi đưa tuyến đường vào khai thác đến nay đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, để có thể hoàn thành giai đoạn 2 và nâng cấp mở rộng đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ) vào năm 2015, nhu cầu vốn còn thiếu khoảng 24.003 tỷ đồng.

Lo ngại về vấn đề nguồn vốn, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn trong tình hình khó khăn như hiện nay, liệu dự án có hoàn thành vào năm 2020, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng cần rà soát kỹ hơn việc thay đổi hướng tuyến. Theo ông Hiển xem trên bản đồ, trên cùng một trục miền Trung, mật độ các tuyến đường tương đối dày đặc, có đoạn đường Hồ Chí Minh trùng với quốc lộ 14. Ông cũng kiến nghị Quốc hội đã quyết định về chủ trương đầu tư dự án thì Quốc hội cũng phải "bấm nút" về vấn đề kinh phí.

Băn khoăn lớn nhất của Thường vụ Quốc hội vẫn là nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư. Về nguồn vốn, trong Nghị quyết điều chỉnh chưa rõ, có ưu tiên vốn hay không, tiền đâu để làm, khi nào làm, cái nào trước và cái nào sau, ngoài nguồn vốn trái phiếu, các nguồn vốn khác là nguồn nào? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định, Quốc hội giao Chính phủ lo nguồn vốn, ban hành chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ làm rõ các nguồn vốn lấy ở đâu, cân đối trả nợ khi phát hành trái phiếu, trả trái phiếu Chính phủ trong thời hạn bao nhiêu năm, nói rõ về các hình thức hợp tác đầu tư. Theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, nên có bản tổng hợp ý kiến của các địa phương, các đường tránh cần thuyết minh thêm trong bản báo cáo tóm tắt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội cần thể hiện rõ ràng, từ tiến độ dự án, nguồn vốn, số vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ đến phân kỳ đầu tư, điều chỉnh hướng tuyến, mặt cắt..., không thể làm chung chung theo kiểu tùy khả năng, tùy điều kiện hoàn cảnh./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục