Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Điều đáng nói là phần lớn rác thải rắn sinh hoạt “đổ” ra môi trường được đem đến các bãi chôn lấp và một phần đốt. Thực tế này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe, còn lãng phí tài nguyên.
Vì vậy, tại Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý, chuyên gia đều thống nhất quan điểm Việt Nam cần có giải pháp để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế rác thải.
Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng xử lý rác
Tại Việt Nam, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn (trong số này khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp).
Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WorldBank, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu tấn (năm 2021) lên 54 triệu tấn.
Gần 1 năm áp trách nhiệm tái chế với doanh nghiệp: Cách làm vẫn chưa “thông”
Một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ làm rõ định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình.
Điều đáng nói là phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của Việt Nam là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng tại Việt Nam đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60-65%; lượng rác còn lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết những con số trên đã phần nào phản ánh vấn nạn rác thải đã và đang đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người.
“Là đại biểu Quốc hội, tôi thường xuyên đi tiếp xúc với cử tri, công dân và lần nào tiếp xúc, tôi cũng nhận được phản ánh tình trạng rác thải đang rất trầm trọng. Ở các khu vực nông thôn thì thiếu phương tiện thu gom, thiếu cơ sở xử lý rác thải. Ở một số thôn, xóm, nhiều nơi rác thải vương vãi do đổ trộm và không có phương tiện xử lý, cũng không có bãi chôn lấp, vì thế rác thải tràn ngập. Ở đô thị, rác thải cũng gia tăng hàng năm nhưng việc thu gom, xử lý rất hạn chế,” đại biểu Nga chia sẻ.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết hiện nay do vấn đề xử lý rác phức tạp nên nhiều địa phương đang theo xu hướng chuyển đốt (đốt phát điện), trong khi nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.
“Trên thực tế, người dân có thể phân loại, nhưng sau phân loại, thu gom, xử lý ra sao (như định mức kỹ thuật, đơn giá xử lý) thì vẫn chưa làm được,” ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng một phần nguyên nhân dẫn tới vướng mắc trong việc xử lý rác thải tại nhiều địa phương là bởi hiện còn thiếu cơ chế khuyến khích cụ thể.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng thẳng thắn cho rằng phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là xu thế tất yếu, đã được nhiều nước áp dụng từ năm 1970. Việt Nam hiện mới bắt đầu triển khai là quá muộn và thực tế cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề xây dựng hạ tầng; việc thu gom, vận chuyển, tái chế, tái xử dụng rác thải...
“Trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã áp dụng giải pháp đốt rác thu hồi năng lượng, tuy nhiên giải pháp này cũng còn tồn tại nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề độc hại, ảnh hưởng tới môi trường và việc đốt rác cũng chưa triệt để,” ông Thọ nói.
Cần có chính sách khuyến khích tái chế xanh
Để giải quyết vấn đề trên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ cho rằng thời gian tới cần tiếp tục có các bước cải cách về thể chế, quy định pháp lý liên quan đến vấn đề định mức, cách thức phân loại rác thải, tổ chức phân loại, thu phí rác thải…
“Tiếp đó, chúng ta cần đầu tư vào hạ tầng thu gom, phân loại, lưu trữ và xử lý rác thải; huy động nguồn tái chính xanh khí hậu để hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải (đặc biệt là rác thải từ các ngành thực phẩm, xây dựng,…) bởi đây là hoạt động sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho môi trường và nền kinh tế,” ông Thọ nhấn mạnh.
Một giải pháp quan trọng khác được ông Thọ đề cập đến là việc huy động công nghệ xanh; tăng cường năng lực sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm chi phí đầu tư.
Cùng bàn hướng xử lý, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn nhận rác thải là tài nguyên cần được sử dụng, xử lý hiệu quả. Tất nhiên rác chỉ thực sự có giá trị là tài nguyên khi được sử dụng hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngược lại nếu không biết cách sử dụng thì rác thải sẽ trở thành gánh nắng cho môi trường và xã hội.
Do đó, theo ông Cơ, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế và xử lý rác thải.
“Ví dụ các ngành công nghiệp lấy lợi nhuận làm mục tiêu phát triển, thì các cơ sở xử lý rác - ngoài lợi nhuận từ việc xử lý rác, còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường. Do vậy cần có sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động xử lý rác thải để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đều có thể tham gia. Đây cũng là cơ sở để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả cao nhất,” ông Cơ nhấn mạnh.
Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn thì “phế thải của ngành này phải là nguyên liệu của ngành khác.” Trong một dây chuyền sản xuất thì doanh nghiệp cần phải giảm thiểu tối đa phế thải ra ngoài bằng cách tận dụng để tiết kiệm tài nguyên. Đây cũng là cách làm để góp phần sản xuất xanh, bền vững.
“Vấn đề là chúng ta phải có nhận thức đúng và thay đổi tư duy không chỉ là một khẩu hiệu, mà cần phải đi tới hành động cụ thể, áp dụng cụ thể vào hoạt động sản xuất của từng doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân,” ông Dũng chia sẻ.
“Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động bằng những việc làm cụ thể để biến rác thải thành tài nguyên,” Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh./.