Cần hơn 1 triệu tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông 5 năm tới

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ cần hơn 1 triệu tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó dự kiến huy động từ vốn ODA khoảng 245.000 tỷ đồng.
Cần hơn 1 triệu tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông 5 năm tới ảnh 1Tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về ngành Giao thông Vận tải 2015, chiều 8/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội thảo “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.”

Hội thảo hướng tới mục đích giới thiệu tới các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp một số thông tin về nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các cơ chế chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết thời gian qua, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải luôn dành được sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ được thực hiện trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng; tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải khoảng trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó dự kiến có thể huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng trên 347.000 tỷ đồng, chiếm 34,3%; từ nguồn vốn ODA khoảng 245.000 tỷ đồng, chiếm 24,1%.

Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định, việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong những năm qua, Bộ đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đạt kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến lớn.

Trong giai đoạn 2011-2015, ngành giao thông vận tải đã huy động được 370.283 tỷ đồng, trong đó huy động theo hình thức BOT, PPP... là 121.833 tỷ đồng.

Mạng lưới hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có tầm cỡ khu vực và quốc tế, được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt như cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C, nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài…

Theo đánh giá, thời gian qua, nhiều quy định pháp lý liên quan đến chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đã được ban hành.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.

Trên cơ sở hợp nhất Nghị định 108/NĐ-CP năm 2009 và Quyết định số 71 năm 2010 và bổ sung các quy định mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/NĐ- CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ ngày 10/4/2015, tạo hành lang pháp lý mới để ngành giao thông vận tải tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể trong thời gian tới.

Ông Paul Vallely, Chuyên gia cao cấp về giao thông của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ những nguyên tắc cho việc xây dựng các quan hệ đối tác PPP, trong đó nhấn mạnh từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia Mỹ La Tinh như Chi Lê và Côlômbia, nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã tính đến hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ cho các dự án.

Mặt khác, để đảm bảo cho các nhà đầu tư về khả năng chi trả của chính phủ, nhiều quốc gia áp dụng quy tắc tài khóa đối với việc vay nợ của chính quyền trung ương và địa phương cho dự án PPP và trong một số trường hợp đã thiết lập quỹ dự phòng.

Chẳng hạn Ấn Độ quy định hướng dẫn rõ ràng về chi trả trong trường hợp chấm dứt và bất khả kháng, nâng cao niềm tin cho nhà đầu tư. Còn tại Hàn Quốc tiếp tục sử dụng biện pháp đảm bảo doanh thu tối thiểu nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Philippines gần đây đã thể chế hóa quỹ nghĩa vụ nợ dự phòng nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư về khả năng chi trả của chính phủ.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục