Cần hoàn thiện trình Quốc hội Luật Tài nguyên-môi trường biển, hải đảo

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại kỳ họp thứ chín năm 2015.
Chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hồ Cầu/TTXVN)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý tài nguyên và môi trường; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các Luật, Nghị quyết, Kết luận đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Bộ tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại kỳ họp thứ chín năm 2015; hoàn thiện dự án Luật Khí tượng, thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường năm 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 31/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước của ngành về các lĩnh vực được giao trong năm 2014, đặc biệt là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013, góp phần giảm thiểu các khiếu kiện về đất đai; đồng thời việc triển khai cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đã đẩy lùi được tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi...

Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nên nghiên cứu giải pháp, mô hình phù hợp và hiệu quả hơn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư… nhằm giảm mạnh khiếu kiện trên lĩnh vực đất đai; xây dựng các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất nguồn vốn điều tra xây dựng cơ bản theo hướng xã hội hóa, cũng như xây dựng các quy trình điều tiết nước trong mùa cạn; thực hiện tốt quan trắc về môi trường…

Hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch năm năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của ngành tài nguyên và môi trường; Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ giai đoạn 2016-2020; rà soát, điều chỉnh các chiến lược phát triển, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án... thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường phù hợp với kế hoạch năm năm 2016-2020 và tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Đóng góp ý kiến về phương hướng nhiệm vụ của ngành trong năm 2015, đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng, ngành phải xác định công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Cùng với việc đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành tập trung thanh tra, kiểm tra công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đối với các cơ sở bảo tồn, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông; công tác khai thác, sử dụng đá vôi; tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản, hoạt động khoáng sản và công tác hậu kiểm; việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; các quy định của pháp luật về giao, sử dụng khu vực biển; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; bảo đảm các điều kiện thực thi đối với công tác này. Các địa phương căn cứ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm 2015 của Bộ để cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của địa phương mình.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch năm năm 2011-2015 của ngành, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch năm năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 ngành tài nguyên và môi trường; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 27 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Mục tiêu tổng quát của năm 2015 là phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm năm 2011-2015 của ngành tài nguyên và môi trường. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực, đúng thời gian, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020.

Năm 2015 cũng triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Trong năm 2014, toàn ngành tài nguyên và môi trường cũng đã tổ chức 2.654 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 7.841 tổ chức, cá nhân trên toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước; xử phạt vi phạm hành chính 1.751 tổ chức, cá nhân với số tiền 141 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 1,7 tỷ đồng; thu hồi 1.286ha đất, 102 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm giấy phép hoạt động khoáng sản, tạm đình chỉ hoạt động 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NQ-CP; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 596 kết luận thanh tra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 76 đoàn thanh tra, kiểm tra với 967 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 247 tổ chức với số tiền hơn 42 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 2ha đất. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra được những yếu kém, hạn chế và các sai phạm; kiến nghị và xử lý kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm, góp phần hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục