Theo Trang mạng lowyinstitute.org, việc một Tổng thống theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” được bầu cử dựa trên cương lĩnh “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã khiến nhiều người Australia lo ngại về sự gắn kết của Mỹ đối với khu vực trong tương lai.
Tuy nhiên, những lời bình luận và những cuộc họp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với một số nhà lãnh đạo có thể khiến mọi người hiểu lầm về chính sách đối ngoại mạch lạc và gần như truyền thống của đảng Cộng hòa tại châu Á.
Khi Tổng thống có một lợi ích cá nhân khăng khít với một thứ gì đó, điều này sẽ dẫn đến một con đường hỗn loạn và dường như không thể đảo ngược.
Chỉ sau 3 ngày đảm nhiệm chức vụ Tổng thống, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là quyết định chính sách đối ngoại tồi tệ nhất của Trump cho đến nay.
Tuy nhiên, sau khi cả khu vực dành năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump để lo lắng về việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận khu vực, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ lên tiếng cho rằng Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa chiến lược.
[Giải mã chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ]
Quyết định này, được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 12/2017, đã tạo ra các phản ứng chính sách rõ ràng. Chiến lược này đưa ra một tầm nhìn cho khu vực, nơi mà Mỹ sẽ cạnh tranh, vượt trội và chiếm ưu thế hơn so với Trung Quốc.
Việc bùng phát cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có liên quan nhiều đến ý định của Tổng thống Donald Trump nhằm mang lại những điều khoản thương mại tốt hơn với Trung Quốc thay vì tạo ra một cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trên Bán đảo Triều Tiên, ông Trump đã đưa ra ý tưởng chấm dứt các cuộc tập trận quân sự thường niên với Hàn Quốc để tạo điều điện thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ không chỉ có Tổng thống Trump. Vẫn có một số chuyên gia ở đó: cơ quan chính sách đối ngoại chiếm ưu thế, còn chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thể bị loại bỏ một cách đáng kể khỏi những chính sách đối ngoại trước kia của đảng Cộng hòa.
Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) đã được ông Trump ký vào ngày cuối cùng của năm 2018. Mặc dù đạo luật này không thu hút nhiều sự chú ý khi ARIA chỉ tái khẳng định các cam kết của Mỹ với các đối tác liên minh và an ninh của mình, song nhờ đạo luật này, Mỹ cũng khẳng định sẽ chi thêm 1,5 tỷ USD ở châu Á.
Đạo luật cũng hợp thức hóa cam kết của Mỹ đối với việc hồi sinh Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad), một cuộc họp bốn bên giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong việc thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên quy tắc và một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Cho đến nay, Quad vẫn thường xuyên bị chỉ trích và hiệu quả tạo ra không được nhiều như những lời lẽ khoa trương. Tuy nhiên, những cuộc gặp cấp cao như vậy giữa lãnh đạo 4 nước có thể được coi là một sự phô diễn sức mạnh vào thời điểm mà Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Quad thậm chí có thể tạo ra sức mạnh thực sự ở một số thời điểm - khó có thể tưởng tượng được điều gì sẽ diễn ra nếu 4 nước này tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung hoặc một loại hình hỗ trợ chung cho Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, gọi tắt là COC.
Dưới thời ông Trump, Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông và qua lại Eo biển Đài Loan.
Chưa rõ rằng những hoạt động này có thể ngăn chặn Trung Quốc hay không, tuy nhiên, toàn khu vực nên được trấn an rằng cuộc bầu cử của Trump vẫn chưa thể chấm dứt chiến lược “xoay trục sang châu Á” mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra.
Có rất nhiều ví dụ điển hình cho thấy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ vẫn đang hoạt động. Dự án cơ sở hạ tầng ba bên Mỹ-Nhật-Australia không thể tạo ra một tầm nhìn thay thế cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bằng việc cung cấp tài chính với trách nhiệm và biện pháp bảo vệ, cũng như việc cố gắng tránh để các nước nhỏ hơn phải chịu ơn các nước lớn hơn thông qua bẫy nợ - điều này có vẻ cho thấy Mỹ giống như một nước theo chủ nghĩa quốc tế mà chúng ta vẫn luôn quen thuộc.
Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra cam kết đảm bảo về Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Philippines và sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông. Trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Philippines sắp diễn ra và tình hình quan hệ Philippines-Trung Quốc ấm lên dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cam kết của Pompeo cho thấy Mỹ theo đuổi chủ nghĩa quốc tế và gắn kết với khu vực.
Australia hiểu rằng tính cách của Tổng thống Donald Trump sẽ không thể làm thay đổi quan hệ khăng khít kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước. Cuộc thăm dò của Viện Lowy hồi năm 2018 cho thấy người Australia ủng hộ mạnh mẽ việc liên minh với Mỹ, dù cho mức độ tin tưởng vào Trump không hề cao.
Người Australia cũng hiểu rằng ông Trump không nguy hiểm như những lời lẽ ông thường đe dọa. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, có 45% số người được hỏi cho rằng Australia nên giữ khoảng cách với Mỹ dưới thời Donald Trump. Tuy nhiên vào năm 2017, con số đó đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 29%.
Trên thực tế, ông Trump đã không tái đàm phán các thỏa thuận thương mại với Australia, không từ chối người tị nạn của Australia hay cũng không ép buộc Australia phải bắt đầu trả tiền cho binh lính đóng quân ở Darwin.
Vì vậy, thay vì cho rằng các quan chức Mỹ đang sợ hãi những dòng bình luận tiếp theo của ông Trump, chúng ta nên nhận ra rằng họ chỉ đang hy vọng ông Trump “tránh đường.”
Suốt 2 năm qua, Australia đã lo ngại việc các vị trí trong Bộ ngoại giao Mỹ bị khuyết, cũng như các mối đe dọa ngẫu nhiên và độc đoán của Trump, tuy nhiên, một chiến lược cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự đang xuất hiện.
Dù cho chúng ta có đồng ý việc Trung Quốc là mối đe dọa như Mỹ tuyên bố hay không, thỏa thuận gây tranh cãi này, vốn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản cho việc Mỹ gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết./.