Cần hành lang pháp lý xuất khẩu vào thị trường Nga

Cần thiết một hành lang pháp lý để tạo thuận lợi, khai thông xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản Việt Nam vào Nga.
Ngày 21/4, ông Phạm Quang Niệm, Trưởng phòng Nga SNG, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường Liên bang Nga còn nhiều tiềm năng, vì vậy để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này thì việc xây dựng hành lang pháp lý là một yếu tố quan trọng tạo thuận lợi, khai thông trao đổi hàng hóa giữa hai nước, nhất là đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2009, trao đổi thương mại hai chiều Việt-Nga đạt 1,830 tỷ USD. Riêng năm 2009, Nga đã nhập khẩu 267 tỷ USD các loại hàng hóa; trong đó có khá nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, rau quả, càphê, cao su tự nhiên.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 415 triệu USD, mới chỉ chiếm 0,24% tổng giá trị nhập khẩu của nước này. Trong đó, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào Nga đạt giá trị cao cũng mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Nga. Hiện, hai nước đang phấn đấu kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt mức 3 tỷ USD vào năm 2012, và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Nga là một thị trường mở nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam và được coi là một thị trường dễ kiếm lời. Song kinh doanh ở thị trường Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh cao và tiềm ẩn rủi ro. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với các đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) đối với các đối tác của Nga còn ít phổ biến. Bên cạnh đó, việc áp dụng các rào cản thuế quan và phi thuế quan để điều tiết xuất nhập khẩu ở thị trường Nga cũng rất khó dự báo trước (chẳng hạn như Nga đã đưa ra lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản, hải sản, thịt đông lạnh).

Cũng theo các chuyên gia thương mại, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và cơ quan đồng cấp phía Nga cần nhanh chóng thảo luận, thống nhất và đi đến ký kết hiệp định về chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản giữa hai nước. Về lâu dài, hai bên cần nghiên cứu đi đến ký kết hiệp định về thương mại tự do giữa Việt Nam-Nga và liên minh Nga-Kazakhstan-Belarus. Đây là một hành lang pháp lý quan trọng giúp Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn xuất khẩu vào Nga, giảm nhập.

Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại thường xuyên vào thị trường Nga như đưa hàng hóa đi tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế và cử các đoàn sang thị trường Nga khảo sát, tìm đối tác hợp tác kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Mặt khác, giảm tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến vào thị trường Nga để tăng giá trị hàng hóa./.

Uyên Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục