Cần gỡ 3 nút thắt lớn thể chế để cán bộ y tế hưởng thù lao thỏa đáng

Các chuyên gia kiến nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều chỉnh chế độ phụ cấp, tăng thêm cho nhân viên y tế.
Cần gỡ 3 nút thắt lớn thể chế để cán bộ y tế hưởng thù lao thỏa đáng ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

"Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" là chủ đề cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/2.

Tại tọa đàm, các vị khách mời đã phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành

Chia sẻ về sự hy sinh, tận tụy của các y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với sức khỏe của cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 2 triệu ca mắc, hơn 39.000 trường hợp tử vong.

Căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những "chiến sỹ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người. Họ luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương đáng nhớ với với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa.

Chỉ riêng đợt dịch thứ tư, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy hiểm nhất.

Nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc với người bệnh, với nghề nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với trách nhiệm tự hào đóng góp chuyên môn cho cuộc chiến chống đại dịch COVID, luôn thể hiện rõ tinh thần chủ động tích cực, sẵn sàng, đoàn kết trong công tác chống dịch tại cơ sở địa phương, thậm chí ngay cả khi chưa có sự điều động của Bộ Y tế.

[Thực hiện chi trả chế độ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên]

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng bằng câu chuyện lùi thời gian kết hôn của một nữ điều dưỡng, của bác sỹ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ; chuyện vợ chồng bác sỹ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch; những ban thờ vái vọng người thân khi qua đời… để nói lên sự hy sinh, tận tình của nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.

Theo báo cáo của 41 sở y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay, đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Đã có 2 điều dưỡng và 1 bác sỹ mắc COVID-19 và không qua khỏi.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), chúng ta bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua.

Nhiều y, bác sỹ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành.

“Trong bối cảnh đó, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân, điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau. Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ông cũng khẳng định: “Nhân dân và dân tộc Việt Nam luôn ghi nhận sự hy sinh cao cả của đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vô hình này,” bày tỏ “cảm ơn và tự hào với đội ngũ y, bác sỹ, những chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch và mong rằng, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sỹ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.” Đây cũng là mong muốn của ông trong suốt 4 nhiệm kỳ tham gia làm đại biểu Quốc hội.

Cần gỡ 3 nút thắt lớn về thể chế

Nêu lên những trăn trở của mình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là duy trì hoạt động, bảo đảm vật tư, trang thiết bị.

Cần gỡ 3 nút thắt lớn thể chế để cán bộ y tế hưởng thù lao thỏa đáng ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Hầu như các nguồn lực huy động được đều đã huy động, không thể xin mãi tiền tài trợ. Cần có chính sách để bệnh viện duy trì được lâu dài và cần coi đại dịch sẽ dần dần hết, bệnh COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch. Các bệnh viện khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản. Tiền chống dịch hiện cũng sắp thay đổi nên rất khó khăn,” ông chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài. Bác sỹ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán.

“Hiện nay, một điều dưỡng viên của chúng tôi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu. Chúng tôi đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy nhưng còn gia đình, còn vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng,” ông nói.

Bên cạnh đó, vị phó giáo sư này đề nghị Nhà nước có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa, bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế.

Đề cập đến chính sách đối với nhân viên y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo thông tin báo cáo, đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Về cơ bản, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

“Nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời tới những người tham gia phòng, chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Phân tích 3 nút thắt lớn về thể chế cần tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thỏa đáng, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt cho ngành y, để khi biến cố xảy ra, có thể áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.

“Ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân," theo ông Bùi Sỹ Lợi, vì vậy nên áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang.

Ông chia sẻ: "Nhiều lần tôi nói rằng, đối với ngành y tế thì chú ý về vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ. Nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.”

Ông cũng cho rằng nếu giải quyết được những nút thắt này, nhân viên y tế sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Dù chúng ta có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào thì cuộc sống, đời sống của gia đình và chính bản thân bác sỹ phải được đảm bảo thì mới làm tốt và hiệu quả được.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục