Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã khẳng định giá trị của di sản này, đồng thời mở ra những cơ hội to lớn để dân ca Ví Giặm phát triển và lan tỏa trong cộng đồng.
"Một khối thống nhất"
Theo nhạc sỹ-nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.
“Dân ca Ví, Giặm theo con người Nghệ Tĩnh từ thời Sơ sử cho đến tận bây giờ. Con người xứ Nghệ và nghệ thuật Ví, Giặm là một khối thống nhất,” nhạc sỹ cho biết.
Loại hình dân ca này cũng có nội dung phong phú, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người. Dân ca Ví, Giặm mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, đề cao sự chung thủy, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.
“Lời ca gắn bó với chặt chẽ với phương ngữ xứ Nghệ là một trong những điểm độc đáo nhất của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Đây cũng là điều kiện quan trọng để loại hình dân ca này có sức sống bền lâu và sức lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng xứ Nghệ,” nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu này, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ thường được thực hành trong cuộc sống: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa…
Bởi vậy, những lối hát này được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,…
Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc.
Bên cạnh đó, giữa hát Ví và hát Giặm có những điểm khác biệt. Hát Ví có âm điệu tự do, phụ thuộc vào lời ca ở thể thơ lục bát, song thất lục và phụ thuộc vào bối cảnh trình diễn.
Trong khi đó, hát Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8.
“Bài toán” đặt ra sau vinh danh
“Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh là một điều rất đáng mừng, thể hiện sự ghi nhận của UNESCO đối với những sáng tạo độc đáo của đồng bào xứ Nghệ. Tuy nhiên, việc được công nhận đó không quan trọng bằng việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản,” giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, ngay sau khi UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới, Việt Nam cần có kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy, lan tỏa giá trị của di sản này.
“Các cấp quản lý cần giám sát chặt chẽ việc này. Việt Nam đã có nhiều di sản được tôn vinh nhưng việc bảo tồn sau vinh danh lại không được thực hiện tốt. Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là một trường hợp tiêu biểu. UNESCO đã ba lần đưa ra cảnh báo về vấn đề bào tồn di sản này. Chúng ta cần tránh lặp lại những trường hợp, câu chuyện tương tự với các di sản mới được vinh danh trong thời gian gần đây,” ông Ngô Đức Thịnh nói.
Có cùng quan điểm trên, giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, các cấp quản lý cần có định hướng và sự giám sát chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.
“Chủ nhân của di sản văn hóa là nhân dân. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết nên không ít trường hợp, người dân vô tình làm biến tướng di sản, dẫn đến việc mất dần nét độc đáo gốc của di sản. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một ví dụ cho câu chuyện này,” giáo sư Tô Ngọc Thanh lý giải.
Đứng ở một góc độ khác, nhạc sỹ-nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan lại cho rằng, vấn đề bảo tồn Ví, Giặm đơn giản hơn các loại hình khác vì loại hình này vẫn đang sống khá mạnh mẽ trong cộng đồng.
“Một số ý kiến cho rằng chúng ta phải bảo tồn nguyên vẹn không gian sinh hoạt của Ví, Giặm. Tuy nhiên, thực tế là không gian Ví, Giặm (không gian phường vải, phường củi…) đã không còn,” nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho hay.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Loan cho biết, nhân dân Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi dân ca Ví, Giặm từ nghệ thuật thực hành lao động sang nghệ thuật giải trí cộng đồng từ khoảng một thế kỷ trở lại đây.
Hiện nay, dân ca Ví, Giặm tồn tại trong cộng đồng như hình thức sinh hoạt, giải trí chứ không còn là không gian sinh hoạt văn hóa như thuở xưa. Không chỉ có vậy, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là nguồn cảm hứng, chất liệu cho nhiều tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại…
“Đương nhiên, để nghệ thuật Ví, Giặm có sống mạnh mẽ hơn và đến gần hơn với giới trẻ, chúng ta cần những động thái tích cực hơn,” nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Hoành Loan, những động thái đó trước mắt cần được cụ thể hóa thành một số hành động cụ thể như: tổ chức thường xuyên các chương trình sinh hoạt tập trung để người dân ca hát, sáng tác những lời ca mới cho nghệ thuật Ví, Giặm.../.
Vào lúc 17 giờ 10 ngày 27/11 theo giờ Paris (tức 23 giờ 10 cùng ngày theo giờ Hà Nội), dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyết định được ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) diễn ra từ ngày 24-28/11 tại Paris (Pháp).