Cần giải pháp tổng thể giải quyết khó khăn dệt may

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), việc giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu được hoàn thuế VAT nên nhiều khi phần được hoàn nhiều hơn phần phải nộp. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhận định rằng giải pháp then chốt, có ý nghĩa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp ở thời điểm này là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Là ngành sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu… do vậy dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn, phát triển thị trường theo Nghị quyết 13 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế việc giãn, giảm thuế này chỉ giải quyết một phần khó khăn cho các dệt may, về lâu dài, ngành này rất cần có những giải pháp tổng thể.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), việc giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu được hoàn thuế VAT nên nhiều khi phần được hoàn nhiều hơn phần phải nộp.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tiêu thụ nội địa được hưởng lợi từ chính sách này, nhưng hiện nay, ước tính có tới 85% sản lượng hàng may mặc phục vụ xuất khẩu, chỉ có khoảng 15% sản lượng dành cho tiêu thụ nội địa.

Chính vì thế, số lượng doanh nghiệp dệt may được hưởng chính sách giãn thời hạn nộp thuế VAT không nhiều. Thêm vào đó, những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu dù được hoàn thuế nhưng thời gian chờ được hoàn thuế lại được thực hiện rất chậm.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp từ năm 2011 đến năm nay đang lỗ, không có thu nhập để được miễn giảm thuế.

Giãn thuế VAT chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nội địa, mà là tạm hoãn, không phải được miễn nên tác động của việc hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong hiệp hội không nhiều. Bởi trên thực tế, chỉ có khoảng 35-40% sản lượng sợi được tiêu thụ nội địa, còn tới 60% xuất khẩu.

Ở góc độ thực tế của doanh nghiệp sản xuất sợi, vải, sản phẩm may mặc vừa tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhận định rằng giải pháp then chốt, có ý nghĩa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp ở thời điểm này là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 20% là quá cao so với lãi suất ngân hàng (lãi suất huy động của các ngân hàng hiện là 9%, lãi suất cho vay của các ngân hàng khoảng từ 15-17%). Cái bất cập lớn nhất của ta so với thế giới là lãi suất ngân hàng, chẳng hạn so với các nước lân cận, chỉ ở mức 5%, như Thái Lan, hay Trung Quốc, thậm chí có nước chỉ ở mức 1-2%. Với mức lãi suất hiện nay, doanh nghiệp trong nước làm thế nào mà có lợi nhuận được đã là rất khó, trong khi còn phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính vì thế, để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn có lãi trong năm nay, có nguồn lực tái đầu tư cho sản xuất, chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng rất cần thay đổi, phải được giảm để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Trong khi sức mua của thị trường thế giới giảm, mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp quyết liệt hơn, mà sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước vốn đã hạn chế, lại còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, càng làm hạn chế khả năng cạnh tranh.

Cùng với những giải pháp về thuế, về lâu dài các doanh nghiệp dệt may mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp của các ngân hàng. Song song với đó là kinh tế vĩ mô ổn định, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, lực cầu tăng trở lại để giải quyết một lượng lớn hàng tồn kho. Thị trường thế giới hồi phục, sức mua tăng là lối thoát khả thi nhất cho các doanh nghiệp./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục