Cần giải pháp quyết liệt ngăn chặn cá tầm nhập lậu

Theo ông Lê Đức Anh, Tổng Giám đốc Công ty cá tầm Việt Nam, 90% lượng cá tầm ở thị trường miền Bắc hiện được nhập lậu từ Trung Quốc. Trước mối lo trên, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh và Công ty cá tầm Việt Nam cho rằng để tránh tình trạng nhập lậu cá tầm vào thị trường lớn nhất của Việt Nam, các cơ quan nhà nước cần triển khai siết chặt đường hàng không.
Liên quan đến thông tin cá tầm nhập lậu đang ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, ngày 7/7, tại Hà Nội, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh phối hợp với Công ty cá tầm Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí, khẳng định việc nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng đến sự "sinh tồn" của cá tầm trong nước.

Theo ông Lê Đức Anh, Tổng Giám đốc Công ty cá tầm Việt Nam, hiện nay, 90% lượng cá tầm tiêu thụ ở thị trường miền Bắc được nhập lậu từ Trung Quốc.

Cùng với đó, mỗi ngày cơ quan chức năng phát hiện từ 3-5 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào Thành phố Hồ Chí Minh qua đường hàng không, đó là chưa kể số lượng cá tầm lậu “đội lốt” cá Việt đưa vào các siêu thị, chợ thực phẩm lớn ở Hà Nội.

Đáng lo ngại hơn, theo con số mà Công ty cá tầm Việt Nam thường xuyên làm việc với các đại lý cá tầm Trung Quốc đưa ra, thì mỗi ngày có 10-15 tấn cá tầm Trung Quốc lấn sân vào thị trường Việt nam, tương đương với 4-5 nghìn tấn/năm.

“Hiện người tiêu dùng đang phải trả giá quá đắt cho một thứ sản phẩm nhập lậu không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. Với tư cách là người trong nghề nuôi và kinh doanh cá tầm, tôi mong rằng người tiêu dùng ở miền Bắc nên  tạm ngừng sử dụng cá tầm,” ông Anh khuyến nghị.

Giải thích rõ hơn, ông Anh cho biết, thông thường cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ bằng một nửa trong nước. Sau đó, một số đơn vị, cá nhân dùng các trại nuôi cá tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt Nam.

[Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc: Hiển hiện mối lo]

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội cá nước lạnh cho biết, sau khi "đột lốt" cá tầm Việt, hàng lậu sẽ tràn vào thị trường miền Nam. "Trong nhiều con đường vận chuyển, hàng không là cách vận chuyển điển hình nhất. Theo đó, cá tầm nhập lậu hàng ngày được chuyển qua đường hàng không từ Nội Bài vào Thành phố Hồ Chí Minh," ông Hào nói.

Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh, đối với cá tầm được nuôi trong nước, không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không mà chỉ có cá tầm nhập lậu.

Lý giải cho thực tế này, ông Hào cho rằng: "Nguyên nhân bởi hiện nay, các nhà sản xuất cá tầm tại Việt Nam chỉ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc nên không cần vận chuyển đi vùng miền nào khác. Còn các nhà sản xuất cá tầm ở Tây Nguyên thì khẳng định, cá tầm từ các hồ ở Tây Nguyên đều phải đi đường bộ vào Thành phố Hồ Chí Minh vì giá thành rẻ hơn đi máy bay," ông Hào nói.

Ngoài ra, so sánh về giá, ông Hào cho rằng cá tầm nhập lậu mặc dù đã “đi” máy bay song giá bán vẫn quá rẻ, chỉ từ 120.000-130.000 đồng/kg trong khi cá tầm trong nước bán buôn tại hồ đã có giá 150.000-160.000 đồng/kg.

Trước mối lo trên, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh và Công ty cá tầm Việt Nam cho rằng để tránh tình trạng nhập lậu cá tầm vào thị trường lớn nhất của Việt Nam, các cơ quan nhà nước cần triển khai siết chặt đường hàng không. “Khi chúng ta siết chặt được đường hàng không, chắc chắn lợi nhuận của việc buôn lậu nó sẽ giảm đi rất nhiều,” đại diện hai đơn vị trên khẳng định./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục