Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo, đối với các dự án BOT, các dự án điện được xem xét, thẩm định còn nhiều thì Tổng cục phải đôn đốc, làm sao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nếu 1 dự án, 1 tổ máy chậm đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến truyền tải và phân phối điện, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Do vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án này.
Ngoài ra, đối với việc đưa điện về các nông thôn miền núi và hải đảo, Bộ trưởng cho rằng, Tổng cục và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tìm biện pháp để đáp ứng nhu cầu vốn, phục vụ nhu cầu chính trị và phát triển kinh tế, bởi đây là nhiệm vụ không thể xem nhẹ...
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục cần phối hợp với ngành dầu khí, ngành than để triển khai các biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong năm 2016 cho các đơn vị, đặc biệt ứng phó với giá dầu giảm sâu của ngành dầu khí và những khó khăn của ngành than do mưa lũ trong thời gian qua.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cam kết, Tổng cục sẽ tiếp tục theo dõi, điều phối việc triển khai và chủ trì đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ với các Chủ đầu tư của các dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT và giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá trình đám phán bộ Hợp đồng BOT các dự án điện.
Ngoài ra, sẽ theo dõi, xử lý những vấn đề liên quan đến các dự án BOT như: việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của dự án BOT Phú Mỹ 3; theo dõi quá trình vận hành của dự án BOT Mông Dương 2; đôn đốc Nhà đầu tư dự án BOT Hải Dương, Duyên Hải 2 hoàn thành thu xếp tài chính để đạt được đóng tài chính đúng hạn; theo dõi quá trình xây dựng dự án BOT Vĩnh Tân 1...
Đẩy mạnh công tác đàm phán và ký kết các hợp đồng BOT như Vân Phong 1, Sông Hậu 2, Long Phú 2... Hoàn thiện các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề còn vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai các dự án BOT điện.
Về cấp điện nông thôn miền núi, trong năm 2016, Tổng cục thúc đẩy làm việc với các nhà tài trợ (ADB, EU) để huy động vốn cho Chương trình; Thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các công trình điện nông thôn do EVN làm chủ đầu tư...
Với ngành dầu khí và công nghiệp than, Tổng cục sẽ tích cực theo dõi hoạt động của các đơn vị, hỗ trợ, cố gắng giải quyết các vướng mắc của ngành.
Theo báo cáo của ông Đặng Huy Cường, trong năm 2015, đối với lĩnh vực điện, Tổng cục đã thẩm định, tham mưu Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 10 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bao gồm: 5 dự án nhà máy nhiệt điện, 2 dự án năng lượng tái tạo và 3 dự án lưới điện.
Ngoài ra, Tổng cục Năng lượng được giao quản lý và theo dõi 20 dự án Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất trên 24.000 MW. Trong đó, có 3 dự án đã vào vận hành là Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và Mông Dương 2; Có 1 dự án đã khởi công xây dựng Vĩnh Tân 1; Còn lại là các dự án đang trong quá trình triển khai...
Về lĩnh vực than, Tổng cục đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các đề xuất, kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2016-2020 của các đơn vị ngành Than và việc xuất khẩu than cám năm 2015 của các đơn vị ngành Than.
Trong thăm dò và Khai thác dầu khí , năm 2015, Tổng cục đã h oàn thành công tác xử lý các vấn đề liên quan đến giám sát thực hiện hợp đồng dầu khí: Gia hạn, giải quyết vướng mắc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhà thầu theo hợp đồng... Đồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.../.