Cho rằng mức hưởng lợi của người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn thấp, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh chính sách này, từ đó giúp người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng như có động lực vươn lên thoát nghèo.
Mức khoán bảo vệ rừng còn thấp
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề Quốc hội sáng 27/7, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết một trong những vấn đề bà quan tâm trong kỳ họp này là việc đầu tư các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nơi vẫn đang là “vùng lõi nghèo của cả nước.”
Theo bà Sửu, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, như huyện A Lưới - tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 15%. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng nghèo là do người dân miền núi thiếu đất sản xuất và tình trạng này vẫn còn diễn ra.
"Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong bối cảnh người dân thiếu đất sản xuất, không có công ăn việc làm thì việc được giao khoán rừng và tham gia bảo vệ rừng không chỉ mang đến nguồn thu mà còn là sinh kế để giúp các hộ dân có thu nhập đảm bảo về lâu dài,” bà Sửu nói.
["Giải phóng" đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn]
Tuy vậy, nữ đại biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra thực tế là hiện nhiều hộ đồng bào còn phụ thuộc vào rừng nhưng mức giao khoán từ việc bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ về "cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020" vẫn còn thấp.
“Nếu người dân thuần túy chỉ bảo vệ rừng mà mức phụ cấp được hưởng khoảng 250.000 đồng/tháng, thực sự là khó khăn vô cùng và sẽ rất dễ rơi vào tình trạng nghèo. Trong khi đó, việc giao khoán bảo vệ rừng, một phần cũng là để giảm nghèo, tạo thu nhập cho người dân nhưng điều này vẫn chưa làm được nhiều,” bà Sửu nói.
Trước đó, sáng 27/7, tham gia thảo luận ở hội trường Quốc hội về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng nêu lên thực tế các tỉnh miền núi phía Bắc là nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, song tỷ lệ hộ nghèo tại các khu vực này vẫn cao nhất cả nước.
Lý do dẫn tới thực trạng nghèo nêu trên được đại biểu Triệu Thị Huyền đưa ra là thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc nhận khoán bảo vệ rừng, trong khi chính sách khoán bảo vệ rừng quy định tại Điều 3 Nghị định số 75/CP của Chính phủ, ban hành ngày 9/9/2015 với hạn mức tối đa không quá 30ha/hộ/năm; định mức khoán chỉ có 400.000 đồng/ha/năm.
“Như vậy, thu nhập bình quân của một gia đình với 4 người cũng chỉ có khoảng 200.000-500.000 đồng/người/tháng,” đại biểu Triệu Thị Huyền nói và khẳng định mức thu nhập này thấp hơn mức chuẩn nghèo năm 2021-20225.
Tạo cơ chế để người dân thoát nghèo
Để góp phần giải quyết thực trạng nêu trên, đại biểu Quốc hội của tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại số 75/CP của Chính phủ để phù hợp tình hình thực tiễn.
“Chính phủ cũng cần sửa đổi chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn để giúp người dân dễ dàng tiếp cận phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; qua đó để đồng bào yên tâm phấn đấu thoát nghèo và có thể vươn lên làm giàu từ rừng,” nữ đại biểu chia sẻ.
Góp thêm ý kiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét lại chính sách khoán bảo vệ rừng tại số 75/CP cũng như tính toán quy hoạch lại vấn đề giao khoán bảo vệ rừng.
Đưa ra giải pháp cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng đối với những hộ dân hay các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ rừng mà lâu nay không hiệu quả thì địa phương cần phải có đánh giá để không giao nữa. Ngoài ra, cần có cơ chế để gắn trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức khi được giao khoán bảo vệ rừng thì “phải có trách nhiệm là không để mất rừng, không để bị phá rừng.”
Đối với các cơ quan chức năng, nữ đại biểu đề nghị cần có giám sát, kiểm tra, đánh giá cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân được giao khoán bảo vệ rừng và hàng năm phải có sàng lọc hiệu quả, tránh tình trạng chính sách quản lý bảo vệ rừng vẫn thực hiện, vẫn có người hưởng lợi nhưng rừng ngày càng bị “bào mòn,” hao hụt.
“Chính phủ nên có cơ chế về việc chính sách giao đất, giao khoán bảo vệ rừng cần gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và phát triển nông thôn mới thì mới hiệu quả,” bà Sửu nhấn mạnh./.