Kết thúc sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 đạt 6,71% và thấp hơn quý 2/2018 (6,73%). Trong quý, hai ngành công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm đồng thời là nguyên nhân chính khiến GDP giảm tốc.
Tuy nhiên, một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ và xây dựng vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, thêm vào đó ngành khai khoáng chuyển sang tăng trưởng dương đã giúp GDP của quý không thụt giảm sâu.
[Thủ tướng Chính phủ: Cần tránh tình trạng 'quyền anh, quyền tôi']
Đi tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra một số hiện trạng cần lưu tâm...
'Làm ít hơn để... tránh rủi ro'
- Thưa Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế vĩ mô có dấu hiệu giảm tốc, ông có đánh giá gì về điều này?
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Về mặt kinh tế - chính trị, năm 2109 là một rất quan trọng đối với đất nước, thời điểm chuẩn bị cho kỳ Đại hội của Đảng và theo đó là các hoạt động quy hoạch nhân sự. Trong bối cảnh này, điều đầu tiên giới quan sát có thể nhận thấy “người ta đang ít làm hơn” là để tránh rủi ro.
Nếu đứng ở các vị trí ra quyết định có thể thấy làm nhiều có thể sai nhiều, làm ít có thể sai ít, không làm không sai gì cả. Trong khi, văn hóa đánh giá năng lực cán bộ từ trước đến nay “làm việc không sai là tốt.” Vì vậy tại thời điểm “nhạy cảm” như năm nay, các doanh nghiệp có xu hướng thận trọng ít nhiều hoặc khi làm gì, họ sẽ hỏi loanh quanh “hết nơi này đến nơi khác” để nếu có chuyện xảy ra sẽ chia sẻ bớt rủi ro và giảm đi phần trách nhiệm.
Quay trở lại thời điểm đầu năm, sau kết quả tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08% - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại, không khí hồ hởi với hai từ “bứt phá” lan rộng toàn xã hội. Song đến thời điểm này, sự kỳ vọng “bứt phá” với mức tăng trưởng kinh tế trên 7% cao hơn so với năm 2018 cùng các hoạt động cải cách đổi mới thật mạnh mẽ, dễ nhận thấy là khó có thể xảy ra trong năm nay.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp để có thể duy trì đà tăng trưởng đi cùng với phát triển kinh tế tạo động lực cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm?
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Trên thực tế, mặc dù khối doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện tiếp các cận nguồn lực dễ hơn, cơ hội kinh doanh theo lối “xin cho” có vẻ dễ hơn song với cơ chế thiên về “hành chính hóa” lại khiến các doanh nghiệp Nhà nước không có được quyền tự chủ, nói gì đến tự do kinh doanh.
Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ không muốn thay đổi vì họ sợ rủi ro và vì vậy “tốt nhất là không làm gì.”
Song trên thực tế, nếu như nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước được sử dụng có ý nghĩa, khả năng tăng trưởng GDP từ mức 6% có thể lên ngay 8%. Nhưng muốn trao quyền tự chủ, tự do kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước thì hệ thống quản trị, bộ máy điều hành như hiện nay phải có sự thay đổi.
Theo tôi, tính quyết liệt trong điều hành sẽ phải mạnh hơn đồng thời có sự phân tích nhiều hơn từ cấp Chính phủ. Và đặc biệt, các cấp địa phương, bộ ngành nào còn đang chậm chạp, chần chừ trong việc thực hiện cải cách… cần phải “điểm mặt, chỉ tên” đến từng cá nhân. Điều này nhằm tạo ra áp lực nhiều hơn đối với những người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương, từ đó mới kỳ vọng đạt được kết quả mong đợi - tăng trưởng GDP 7%.
Do đó, xu hướng tăng trưởng cần phải nhấn mạnh vào cải cách trong nước nhiều hơn, tôi tin tưởng và hy vọng tính quyết liệt điều hành của năm 2018 sẽ tiếp tục thể hiện mạnh mẽ trong năm 2019 và đặt biệt là nhiều hơn ở năm 2020 - năm kết thúc của một nhiệm kỳ. Và, nếu duy trì như những tháng đầu năm, thì khả năng tăng trưởng GDP nhiều nhất là đi ngang đạt 6,7% – 6,8% , khó có thể đạt đi lên và nếu “chần chừ” hơn nữa thậm chí GDP có thể đi xuống 6,5% – 6,6%.
Phải giúp doanh nghiệp nội thoát khỏi 'chông gai đường làng'
- Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các hiệp định tự do thế hệ mới được ký kết như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVATA), doanh nghiệp trong nước sẽ tận dụng được những cơ hội như thế nào thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Có một thực tế ‘đáng buồn’ là khối các doanh nghiệp tư nhân đa phần là nhỏ và vừa. Bên cạnh nguyên nhân doanh nghiệp không lớn được do khó khăn về tiếp cận được nguồn lực còn một lý do khác khiến họ không muốn lớn, là khi lớn lên sẽ đầy “rủi ro.” Tôi cảm nhận, môi trường kinh doanh hiện hiện nay “tốt” với các doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn, do vậy thể chế cần phải thay đổi và cải cách nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp nội địa thực sự có sự phát triển lâu bền.
Nếu không thực sự thay đổi, những hiệp định thương mại tư do quốc tế chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi chỉ có họ mới có đủ tiềm lực để thể tận dụng và đưa các cơ hội vào trong kinh doanh.
Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, họ sẽ tiếp tục bị thui chột, bởi muốn ra được ‘xa lộ’ trước hết thoát khỏi ‘chông gai của đường làng,’ mà ở đây là những rào cản kỹ thuật của ta đang ‘bó ta’ chứ không phải rào cản với nước ngoài.
Những rào cản kỹ thuật này rất “tinh vi,” khiến doanh nghiệp dễ mắc “vi phạm” trong quá trình kinh doanh. Tôi thấy, các rào cản kỹ thuật đang tạo cơ hội để công chức “can thiệp” vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, song can thiệp không phải để bảo vệ mà nhiều khi là để “tư lợi,” làm khổ sở cho doanh nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế là phải mang lợi ích đến cho nhiều người, song như hiện tại cơ cấu có thể có tăng trưởng nhưng chưa có phát triển. Ở nhiều các tỉnh, thành “nổi bật” với các hoạt động thu hút đầu nước ngoài trực tiếp nhưng người dân địa phương chưa thực sự được hưởng lợi. Và sau nhiều năm, sự chia cách giữa hai khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi.
Về cơ bản, doanh nghiệp tư nhân nội địa chỉ được tận dụng được một phần rất nhỏ cơ hội từ hội nhập với lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ, chi phí thấp mà không thu hút được công nghệ, không thụ hưởng được các lợi ích từ những hiệp định thương mại tự do mang lại. Thậm chí, Việt Nam sẽ mất về tài nguyên, mất mát về ưu đãi do dành quá nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, không có cách nào khác ngoài việc cải cách thể chế, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp, của người dân, đặc biệt là giúp họ “an tâm” trong kinh doanh để đầu tư nhiều hơn, dài hạn hơn. Từ đó, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn vào công nghệ, vào quản lý… và đi ra toàn cầu chứ không phải chỉ “loanh quanh đi xin chỗ này, đi xin chỗ kia, đi tìm kiếm địa tô này, đi tìm kiếm địa tô kia”./.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn báo chí: