Cần đảm bảo điều kiện để dân quân tự vệ trên biển hoạt động

Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực ở biên giới.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 13/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua ba luật: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Trong ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường lần đầu về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Quy định về dân quân tự vệ trên biển là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Các ý kiến cho rằng để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, thì cần bảo đảm điều kiện cho dân quân tự vệ nói chung và dân quân tự vệ trên biển nói riêng.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), việc quy định phụ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển là cần thiết, phù hợp với tính chất hoạt động quân sự, quốc phòng.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, dân quân tự vệ biển có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh trên biển.

Thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị việc chuyển Ủy ban Chứng khoán nhà nước từ Bộ Tài chính thành cơ quan thuộc Chính phủ là vấn đề cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động.

Các ý kiến phân tích cho rằng xét về quy định của pháp luật hiện hành cơ bản đã đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính độc lập của Ủy ban chứng khoán.

Nếu giữ như mô hình hiện nay của Bộ Tài chính sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đồng thời cũng đảm bảo tính nhất quán trong việc thực thi các chính sách tài khóa.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị giữ nguyên Ủy ban chứng khoán như quy định hiện hành.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 18 đã nhấn mạnh việc sắp xếp lại bộ máy không được làm tăng thêm đầu mối, tăng thêm biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

[Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Luật Kiến trúc]

Cùng với đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đang cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Một quan điểm xuyên suốt là không làm tăng thêm biên chế, tăng bộ máy.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu: việc tiếp tục duy trì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với yêu cầu một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, và cũng phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán Quốc tế về tính độc lập trong thực thi nhiệm vụ.

Theo chương trình, ngày mai 14/6, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Phiên bế mạc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục