Một số quy định trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp phân bón. Nhiều doanh nghiệp có thể phải tạm dừng sản xuất nếu không đáp ứng được các yêu cầu.
Đó là thông tin tại hội thảo về cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 10/3.
Theo Cục Trồng trọt, kể từ khi quy định mới về quản lý phân bón có hiệu lực, đơn vị đã tiếp nhận 140 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực. Chính vì vậy, đến nay mới chỉ cấp phép sản xuất cho 21 đơn vị với 240 loại phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón-hóa chất Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ 6-7 tháng nay, nhưng đang vướng ở quy định về nhân lực.
Theo quy định, để được sản xuất phân bón, “công ty phải có đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên” – (Điều 8, mục 3, khoản a Nghị định 202).
Mặc dù, công ty này có nhiều xí nghiệp thành viên và đã có một Phó Giám đốc xí nghiệp là kỹ sư hóa được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ vẫn không được xét duyệt.
“Phía cơ quan quản lý yêu cầu Giám đốc công ty - người có tư cách pháp nhân, phải có bằng Đại học liên quan đến chuyên môn này. Bản thân tôi do yêu cầu về quản lý nên đã có tới 4 bằng Đại học. Nếu quy định này bắt buộc thì công ty phải mất 4-5 năm nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Chẳng lẽ bây giờ chúng tôi phải tạm dừng sản xuất và đợi đến lúc đó chắc tôi cũng đã nghỉ hưu rồi,” ông Hào chia sẻ.
Cũng liên quan đến điều kiện sản xuất phân bón, một doanh nghiệp khác cho rằng, các quy định trong Nghị định và Thông tư chỉ thiết kế phù hợp với doanh nghiệp đã có cơ sở vật chất sẵn, còn đối với các doanh nghiệp đầu tư mới vào lĩnh vực này thì dường như còn “bỏ ngỏ”. Để được sản xuất phân bón, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất-kỹ thuật.
Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp mới muốn đầu tư vào lĩnh vực này, họ chưa biết có được chấp nhận hay không thì làm sao dám mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, phòng thử nghiệm….
Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phân bón Hiếu Giang cũng cho biết, công ty có nguy cơ phải đóng cửa do các quy định liên tục thay đổi. Hiện doanh nghiệp muốn xin giấy phép hoạt động phải công bố hợp, chuẩn, hợp quy về phân bón. Tuy nhiên, nếu chờ hợp quy thì công ty phải khảo nghiệm lại sản phẩm và phải chờ kết quả trong một năm.
“Nếu các cơ quan quản lý không có hướng mở cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển thì trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thị trường phân bón trong nước sẽ phải nhường sân chơi cho các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Lào… nhảy vào,” ông Phan Huy Đức lo lắng.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành, Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các doanh nghiệp khi làm giấy phép sản xuất cần liên hệ trực tiếp với Cục Trồng trọt, hạn chế giao cho các công ty tư vấn để tránh tình trạng “Cục Trồng trọt nói một đằng, công ty tư vấn nói một nẻo” và tốn nhiều chi phí không cần thiết./.