'Cần cởi mở hơn về việc ghi âm, ghi hình phiên tòa với phóng viên, báo chí'

Nêu ý kiến về việc ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa với phóng viên, báo chí, truyền hình.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bàn về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên cởi mở hơn việc ghi âm ghi hình đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí đưa tin tại phiên tòa. Tuy nhiên, báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề hành lang Quốc hội sáng nay, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đồng tình với dự thảo luật về quy định ghi âm, ghi hình.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng dự thảo luật cần được xem xét chỉnh lý, quy định cởi mở hơn theo hướng phóng viên thuộc các cơ quan báo chí ghi âm, ghi hình bị can, bị cáo nếu được sự đồng ý của bị can, bị cáo.

“Báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ và chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình để không ai dám tung tin bậy trên mạng,” đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng bày tỏ quan điểm nên cởi mở hơn trong việc ghi âm, ghi hình phiên tòa với phóng viên báo chí tham dự phiên tòa, song ông cho rằng nên "có một phòng riêng đối với báo chí tác nghiệp chính thống để không gây ảnh hưởng tới phiên tòa."

Trong diễn biến liên quan, thảo luận ở phiên họp sáng 28/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết thực tế trong thời gian qua cho thấy có rất nhiều các vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống; cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội.

“Việc này đã tạo những tác động, áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật, hơn nữa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nỗi trăn trở.

Trước thực tế trên, đại biểu Việt Nga cho rằng việc quy định chặt chẽ hơn hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên “không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp, tuyên án hay công bố quyết định, mà cần giới hạn thêm ghi âm.”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích dù nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa, không chỉ thời gian khai mạc, tuyên án, hay công bố quyết định nhưng nếu cứ để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong thời gian xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều cũng tạo nên sự lộn xộn.

Với những phiên tòa xử án ly hôn, án kinh doanh có nhiều bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp, kinh doanh, nếu ghi âm, ghi hình tràn lan, rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân liên quan.

“Hiện nay việc xử phạt vi phạm trên môi trường không gian mạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý và đề nghị cần có sự phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

Trong đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thì nên quy định cởi mở hơn việc ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí, truyền hình, bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn.

“Đây cũng là ý kiến, kiến nghị của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

dai bieu nga.PNG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cũng đề nghị chỉnh lý theo hướng việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ toạ phiên tòa.

“Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên toà, phiên họp thì phải có sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ toạ phiên toà, phiên họp,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 141 dự thảo luật như sau: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.”

“Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp,” đại biểu Bố Thị Xuân Linh nêu quan điểm và cho biết lý do sửa đổi là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình.

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

“Các thông tin, chứng cứ này cần được hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Ngoài ra, để bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác,” đại biểu Bố Thị Xuân Linh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục