Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam” (TA9449), do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ từ Quỹ giảm nghèo Nhật Bản (JFPR), ngày 17/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với ADB và nhóm chuyên gia tư vấn tổ chức Hội thảo “Phát triển nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam.”
Phát biểu tại Hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Giám đốc Ban Quản lý Dự án TA9449 cho biết Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011- 2020, xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp chính. Nghị quyết Trung ương 4 (05/NQ-TW) khẳng định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, thành quả phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến nay chưa được như kỳ vọng, đòi hỏi Đảng và Nhà nước có chiến lược và giải pháp tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo.
[Du lịch Việt Nam: "Bài toán" về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao]
Do đó, Hội thảo mong muốn được chia sẻ tổng quan những thành công và hạn chế của các chiến lược, chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, đồng thời có được sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm đưa ra các khuyến nghị và giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bàn về khía cạnh trình độ học vấn và việc làm của nhóm nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đức Vinh, trưởng nhóm nghiên cứu, phân tích hiện nhân lực chất lượng cao được xác định theo quan điểm là nhóm trong độ tuổi lao động có học vấn cao đẳng, đại học trở lên. Người tốt nghiệp cao đẳng, đại học được giả thiết là có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, thể chất đáp ứng yêu cầu tối thiểu của thị trường lao động.
Theo kết quả nghiên cứu trong 1 năm cho thấy xét theo ngành, nhân lực chất lượng cao tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành không sản xuất trực tiếp (giáo dục và đào tạo, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, buôn bán…), chỉ dành rất ít cho ngành “công nghiệp, chế biến, chế tạo, khai khoáng”...
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự và nhóm nghiên cứu cùng thảo luận về các dự án đầu tư có thể có và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo, theo đó xác định các lĩnh vực ưu tiên và dự báo nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đến năm 2035, nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến đề xuất các khuyến nghị và giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao.
Trong đó nhấn mạnh đến việc sớm xây dựng Chiến lược tổng thể để khắc phục tình trạng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và sự bất hợp lý trong cơ cấu ngành nghề.
Đồng thời tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách (hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ); mạnh dạn tìm ra khâu đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao./.