Cần có nhiều chính sách ưu đãi cho tỉnh Nghệ An phát triển

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn trở thành Trung tâm kinh tế chính trị xã hội Bắc Trung Bộ, thời gian tới, cần đưa vào nhiều chính sách ưu đãi cho tỉnh Nghệ An phát triển.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành cầu vượt nút giao Quốc lộ 46 với đường sắt Bắc-Nam tại Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Chiều 4/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo an toàn giao thông của Nghệ An trong tám tháng năm 2014.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã góp ý, bổ sung, đề xuất các giải pháp nhằm giúp Nghệ An thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Cụ thể, để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Bộ Công an chỉ đạo Công an Nghệ An chủ động mở các đợt cao điểm tấn công truy quét, trấn áp tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán người, tội phạm trộm cắp.

Nghệ An là địa bàn tiềm ẩn về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, có sân bay quốc tế Vinh, mặc dù chuyến bay ít nhưng tiềm ẩn về nguy cơ vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu xăng dầu, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến khá phức tạp thông qua đường cửa khẩu hay đường ven biển.

Tỉnh Nghệ An cần nâng cao nhận thức của các đối tượng kinh doanh và người tiêu dùng về pháp luật, nhất là pháp luật thương mại, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; quản lý kho tàng, bến bãi, nhất là các lĩnh vực quản lý giá cả như thuốc tân dược, hóa, mỹ phẩm, thực phẩm, sữa, khoáng sản...

Tỉnh Nghệ An cần chủ động vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn bán, gian lận thương mại; phát triển thị trường nội địa, tận dụng các nguồn xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại như hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại.

Song song đó tỉnh cần phát triển sản phẩm công nghiệp địa phương, áp dụng công nghệ cao và công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế, tận dụng các thị trường xuất khẩu truyền thống như Liên bang Nga, Đông Âu, Nhật Bản.

Về lĩnh vực giáo dục, tỉnh Nghệ An cần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, tích cực thực hiện công tác phân luồng học sinh; nâng cao hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội, công tác xuất khẩu lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Nghệ An đạt được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng khen ngợi nét nổi bật của Nghệ An sau một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị là triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, nỗ lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở vùng miền Tây Nghệ An, phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất của nhà máy, các chỉ tiêu về công nghiệp, thu ngân sách, phát triển hạ tầng đạt và vượt.

Điểm nổi bật nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo, Nghệ An gặt hái nhiều thành tích cao ở các kỳ thi Quốc tế, khu vực và quốc gia; mạng lưới dạy nghề phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu lao động tốt...

Tỉnh Nghệ An cũng thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm gắn với các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, không để phát sinh phức tạp, hình thành điểm nóng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An cần khắc phục những tồn tại như chưa có điểm nhấn về kinh tế như khu công nghệ cao, dệt may, cọc sợi công nghệ cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI còn thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao; đặc biệt tỉnh quan tâm hơn nữa vấn đề an ninh tôn giáo, giữ vững chính trị ổn định.

Mặt khác, công tác đánh giá, dự báo tình hình thị trường chưa tốt, việc cài cắm cơ sở, nắm bắt thị trường để phát hiện các đường dây ổ nhóm lớn về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại còn hạn chế, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả còn hạn chế, chưa đồng đều.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn trở thành Trung tâm khu vực kinh tế chính trị xã hội Bắc Trung Bộ, thành tỉnh công nghiệp, các bộ, ban ngành có liên quan có trách nhiệm cùng với Nghệ An thực hiện tốt Nghị quyết 26. Thời gian tới, cần đưa vào nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho tỉnh Nghệ An phát triển.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh điều quan trọng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, phát triển từ Đảng bộ, từ xã hội đến mỗi người dân. Từ đó, tiếp tục phát triển sản xuất, dịch vụ các loại, nhất là dịch vụ công nghệ cao; giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân, xây dựng cuộc sống an toàn, kiên quyết trừng trị tội phạm. Muốn vậy, ngoài lực lượng có chức năng thì hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An tội phạm ma túy đang nổi lên thông qua các đường cửa khẩu, đường biển lẫn đường hàng không. Bởi vậy, tỉnh Nghệ An cần tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa phải có xuất xứ, phát động được dân cùng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, các lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường cũng phối hợp thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Nghệ An cần tiếp tục phát động toàn dân thực hiện an toàn giao thông, an ninh tôn giáo. Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cần nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm tốt từ các xã, tuyên truyền để các địa phương khác cùng học tập, làm theo. Nghệ An phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ có 20 xã đạt 19/19 tiêu chí.

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét như điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam để các Khu công nghiệp Hoàng Mai và Đông Hồi được hưởng ưu đãi đầu tư của Khu kinh tế; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An tăng thêm 14 Phó Chủ tịch tại 11 huyện miền núi và ba thị xã; đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế công chức cho tỉnh Nghệ An vì là địa phương có diện tích lớn nhất nước, dân số đông, đơn vị hành chính nhiều như 28 biên chế để thành lập thêm các Đội quản lý thị trường, 640 biên chế cho Kiểm lâm Nghệ An, 50 biên chế cho Thanh tra giao thông vận tải, 15 biên chế cho Sở Ngoại vụ.

Mới đây, Luật Đất đai đã được thông qua, Phó Thủ tướng chấp thuận đề nghị của tỉnh Nghệ An cho phép việc đấu giá đất ở cấp huyện được thông qua Hội đồng đấu gía đất cấp huyện hoặc các tổ chức bán đấu gía chuyên nghiệp (vì diện tích Nghệ An rộng).

Trước đề nghị hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, Phó Thủ tướng đã ghi nhận và giao Bộ Kế hoạch và đầu tư bổ sung nguồn vốn Trung ương trong năm 2015.

Trên tinh thần đó, tỉnh Nghệ An cũng cần thẩm định lại, nên chọn dự án trọng điểm cần thiết nhất ưu tiên để thực hiện trước. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tỉnh cần cân đối nguồn ngân sách của tỉnh cùng với công tác xã hội hoá và huy động từ nguồn khác để hỗ trợ cho địa phương thực hiện.

Trước đó, trong sáng 4/9 đến thăm Nhà máy May Nam Đàn (thuộc Tổng công ty Dệt may Hà Nội), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn Tổng công ty Dệt may Hà Nội phát huy lợi thế sẵn có như thị trường ổn định, nguồn lao động địa phương dồi dào, tay nghề giỏi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng công ty Dệt may Hà Nội thời gian tới cần nghiên cứu và mở rộng thị trường tốt hơn, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (cả nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra); mở rộng thêm Nhà máy cọc sợi và thuốc nhuộm, trong đó cần chú trọng vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường. Song song đó Tổng công ty Dệt may Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục