Cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp chính sách vùng dân tộc thiểu số

Nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số thành một chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp chính sách vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 27/10, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số thành một chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) nhận định thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã thụ hưởng rất nhiều chính sách trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo...

Tổng thể bức tranh chung của đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giờ đây đã có bước tiến bộ, phát triển.

Nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cụ thể, đã có 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp, góp phần tạo điều kiện, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khởi sắc.

So sánh việc phấn đấu để nhân dân miền núi tiến kịp với miền xuôi là còn xa vời, đại biểu dẫn chứng: dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số của cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 52,7%; hiện có 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo chữ phổ thông.

Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn kém. Tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện đã được quan tâm đầu tư nâng cấp chất lượng khá hơn so với trước đây nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển.

Kết cấu mặt đường luôn mâu thuẫn với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mặt đường chỉ chịu được trọng tải thấp trong khi đó nhu cầu trọng tải xe lớn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân cũng tạo ra mặt trái đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà quản lý và tính nhân văn của chính sách; dẫn đến có một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ vào chính sách của Nhà nước, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí tích cực vươn lên, mặc dù có sức lao động, đất sản xuất, có đủ các điều kiện canh tác làm ra sản phẩm.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các chính sách khuyến khích được người nghèo cũng vươn lên, người khá giả, người giàu được khích lệ.

[Chú trọng phát triển kinh tế nhưng cần quan tâm hơn đến vấn đề xã hội]

Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên), Đoàn Văn Việt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), Đinh Thị Phương Loan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi), Triệu Tài Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang)... quan tâm, cho ý kiến.

Đại biểu Đinh Thị Phương Loan đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng phân định vùng, đối tượng thụ hưởng, phương thức hỗ trợ phù hợp; rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số còn hiệu lực, giải quyết căn cơ hơn tình trạng di cư, di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là đối với đồng bào di cư, vùng tái định cư, vùng bị thiên tai.

Đồng thời, Quốc hội cần có định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp hiệu quả; hoàn thiện, ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức dân tộc thiểu số, dành nguồn lực để bảo tồn văn hóa, trang phục tiếng nói chữ viết người dân tộc thiểu số...

Các dân tộc Việt Nam bình đẳng trong thụ hưởng giá trị vật chất, tinh thần và cũng cần xác định đây là yếu tố nền tảng cho củng cố tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, bảo đảm kinh tế đất nước phát triển, đại biểu Loan nhấn mạnh.

Đại biểu Đoàn Văn Việt đề nghị cần hình thành suy nghĩ mới về công tác giảm nghèo bền vững, đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo vươn lên, tránh ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước; xem xét, sửa đổi cơ chế phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, vào nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp chặt chẽ hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...

Nêu quan điểm cần tạo môi trường để hộ nghèo tự vươn lên, đại biểu Triệu Tài Vinh nêu rõ trong hỗ trợ hộ nghèo thường có câu "Cho cần câu thay cho con cá."

Thực tế đã có nhiều "cần câu" được trao, nhưng vấn đề đặt ra là câu ở đâu?

Cần tạo ra môi trường tốt hơn - những "cái ao" để hỗ trợ người nghèo, chuyển từ hỗ trợ cho không thành hỗ trợ có trách nhiệm, có hoàn trả để người hưởng thụ thấy rõ trách nhiệm của mình.

Việc hỗ trợ cho không đã quá lâu, hình thành tính ỷ lại như một tập quán, đã đến lúc cần thay đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục