Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh bởi việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Dân số Việt Nam phân theo khu vực và tỉnh thành
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt 100,31 triệu người, vượt mốc 100 triệu dân, tăng 0,84% so với năm trước. Có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng về quy mô dân số.
Giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Phân tích nguy cơ, thời cơ và giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững dân số, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cảnh báo, nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cũng khuyến cáo để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Do đó, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Thêm vào đó, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Phân tích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển”.
Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp, do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sở Y tế, cơ quan dân số các cấp nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và đặc biệt là Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030./.