Cần có động thái mạnh mẽ để bảo vệ thương hiệu gạo thơm ST25

Hiện đang có ít nhất 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ. Nếu không sớm có động thái để bảo vệ thương hiệu thì nguy cơ bị mất thương hiệu ST25 ở thị trường này là rất cao.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh Vũ Hà/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh Vũ Hà/Vietnam+)

Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 4 doanh nghiệp (địa chỉ ở Mỹ) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25 – loại gạo đạt danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới năm 2019" do nhóm của kỹ sư ông Hồ Quang Cua lai tạo, được sản xuất và đóng bao bì tại doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí tại Sóc Trăng, Việt Nam.

Chưa thể khởi kiện

Theo ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25, việc các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 cho thấy sự đe dọa đối với thương hiệu loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam. Thế nhưng, việc khởi kiện họ để đòi lại quyền lợi hay đơn giản là để giữ chắc thương hiệu này là một điều rất khó.

Về vấn đề này, ông Hồ Quang Trí cho biết hiện không kiện được họ, trừ khi Việt Nam đăng ký gạo ST25 Sóc Trăng là của Việt Nam thì mới có đủ căn cứ khởi kiện.

“Thực tế không ai cấm được doanh nghiệp đăng ký đâu. Hiện thông tin đăng ký cũng chung chung, chưa chi tiết, giống như cái tên miền, tên nào hot thường sẽ có đơn vị đăng ký. Trong khi đó, Việt Nam chưa có thương hiệu gạo chung. Xây dựng thương hiệu là việc của Nhà nước và doanh nghiệp chỉ có thể đề xuất,” ông Trí nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trí, không cần phải quá lo lắng về việc này.

[Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu tại Mỹ]

“Tại sao lại có tới 4 doanh nghiệp ở Mỹ được phép đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ, nghĩa là không chỉ 4 mà có thể có nhiều hơn số doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Mỗi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 lại gắn liền với tên của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp của tôi cũng có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ với cái tên gạo ST25 Hồ Quang Trí chẳng hạn, và sẽ được cấp nếu đáp ứng đủ yêu cầu hồ sơ,” ông Trí tự tin.

Doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy về sở hữu trí tuệ

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết trong sáng ngày 22/4 đã kiểm tra thông tin. Kết quả cho thấy các hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra" (pending). Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất.

[Nghiên cứu quy trình để ST thành thương hiệu gạo thơm Việt Nam]

Giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: Chính phủ Việt Nam cần can thiệp mạnh với cơ quan cho đăng ký thương hiệu của Mỹ. Thực tế, việc các doanh nghiệp Mỹ đăng ký không có lý do chính đáng. Bởi lẽ, gạo ST24, ST25 là của Việt Nam và đã có biểu đồ DNA của nó. Doanh nghiệp nào đăng ký, cơ quan tiếp nhận chỉ cần hỏi là làm sao sản xuất ra, có minh chứng gì anh là tác giả của nó, anh trồng ở đâu...? Việc này sẽ "bắt lỗi" được việc các doanh nghiệp không phải là tác giả của sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Xuân, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, không để chậm chân trong việc đăng ký thương hiệu.

Chia sẻ lại những câu chuyện về những lần bị “ăn cắp” thương hiệu trước kia, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: Giống như câu chuyện nước mắm Phú Quốc bị doanh nghiệp Thái Lan đăng ký hay gần đây hơn có trường hợp bánh tráng thương hiệu Ba Cây Tre của doanh nghiệp Thuận Phong ở Mỹ Tho cũng bị một doanh nghiệp bên Mỹ đăng ký thương hiệu Ba Cây Tre ở Mỹ Thọ. Mỹ Tho và Mỹ Thọ chỉ khác nhau 1 dấu mà doanh nghiệp kia đăng ký độc quyền. Doanh nghiệp Thuận Phong cũng đã phải tốn kém cả trăm ngàn USD, qua rất nhiều vụ kiện mới lấy lại được thương hiệu Ba Cây Tre.

“Trong câu chuyện ST25 này, chúng ta ở thế khó sẽ tốn tiền do phải thuê luật sư và nhiều chi phí khác. Dù vậy, chúng ta cũng vẫn phải làm, vẫn phải kiện để bảo vệ thương hiệu,” ông Xuân khẳng định.

Theo luật sư Trần Tám (Giám đốc Công ty IPCOM), chiến lược tài sản trí tuệ của doanh nghiệp phụ thuộc chặt chẽ vào chiến lược kinh doanh của chính đơn vị đó. Do vậy, đơn vị sở hữu thương hiệu gạo ST25 tại Việt Nam nếu có kế hoạch xuất khẩu gạo sang Mỹ mang thương hiệu ST25 thì mới bàn đến việc đăng ký và thực hiện các thủ tục liên quan bảo vệ nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình.

Đa phần các quốc gia đều có quy định việc phản đối đơn trước khi cơ quan nhà nước cấp bằng độc quyền sở hữu công nghiệp cho một doanh nghiệp nào đó. Lý do phản đối có thể là đơn vị đã nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký do không phải là chủ sở hữu đích thực của sản phẩm ST25; sản phẩm ST25 đã được lưu  hành tại Hoa Kỳ trước thời gian các đơn vị kia nộp đơn tại Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ - USPTO (do Hoa Kỳ áp dụng nguyên tắc quyền sử dụng trước - tức là người được ưu tiên cấp bằng đăng ký nhãn hiệu là người đã sử dụng nhãn hiệu đó trước). Trước khi tiến hành các thủ tục liên quan cũng phải xem xét khả năng được cấp bằng độc quyền cho một dấu hiệu đăng ký làm nhãn hiệu, pháp luật các quốc gia đều có quy định việc này. Để thành công thì doanh nghiệp nên thuê luật sư Hoa Kỳ để họ tư vấn và đại diện thực hiện các thủ tục cần thiết.

“Vì nhãn hiệu ST25 đã bị các đơn vị tại Hoa Kỳ nộp đơn (và chưa được cấp văn bằng bảo hộ) nên đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thủ tục phản đối đơn (đề nghị USPTO không cấp bằng độc quyền cho các đơn vị kia). Nếu được cấp bằng độc quyền rồi thì việc kiện tụng sẽ phức tạp, tốn kém nhiều chi phí hơn và có thể tỷ lệ thành công cũng thấp hơn,” Luật sư Tám chia sẻ./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục