Cần có cơ chế đặc biệt với bác sỹ truyền nhiễm, tâm thần, hồi sức

Lo ngại khá lớn hiện nay trong công tác đào tạo khối ngành y dược đó là tình trạng thiếu bác sỹ ở một số chuyên ngành đặc thù như truyền nhiễm, tâm thần, pháp y, hồi sức tích cực.
Cần có cơ chế đặc biệt với bác sỹ truyền nhiễm, tâm thần, hồi sức ảnh 1Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cấp phát thuốc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nguyên Giám đốc Bệnh viện E bày tỏ lo ngại khá lớn hiện nay trong công tác đào tạo khối ngành y dược đó là tình trạng thiếu bác sỹ ở một số chuyên ngành đặc thù như truyền nhiễm, tâm thần, pháp y, hồi sức tích cực.

“Chúng tôi rất tâm tư khi mỗi năm trường tuyển đầu vào lên tới 500-600 sinh viên, nhưng sau 1-2 năm học khi lựa chọn các chuyên khoa rất nhiều sinh viên chọn vào các chuyên ngành hot hiện nay như thẩm mỹ, răng hàm mặt, đa khoa, sản… còn những chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh, hồi sức… thì lác đác không có mấy học viên lựa chọn,” Giáo sư Thành nói.

[Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược]

Theo Giáo sư Thành, những chuyên ngành trên không được sinh viên lựa chọn bởi qua tìm hiểu, tham khảo sinh viên biết đó là chuyên ngành vất vả song thu nhập lại thấp, phụ cấp không nhiều.  Do mức thu nhập thấp, không thể làm thêm trong khi công việc việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sỹ vào các chuyên ngành này rất khó khăn.

Đơn cử, thời điểm bùng phát dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam, việc hồi sức tích cực cho người bệnh nguy kịch đã bộc lộ nhiều hạn chế khi mà có những địa phương cả tỉnh chỉ có 2 bác sỹ chuyên ngành hồi sức hoặc rất thiếu đội ngũ y bác sỹ về chuyên ngành truyền nhiễm khi chống dịch...

Vì vậy, Giáo sư Thành kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần xem xét lại chính sách để thu hút nguồn nhân lực và giảm tình trạng thiếu bác sỹ ở một số chuyên ngành đặc thù cũng như cần có cơ chế đặc biệt trong vấn đề lương bổng và các chế độ đãi ngộ khác. "Không chỉ tăng mức phụ cấp, bác sỹ chuyên ngành đang thiếu trên cần có một cơ chế riêng, như có thể xem xét được trả lương cao nhất, gấp 4-5 lần các chuyên ngành như nội, ngoại, sản nhi, da liễu…," Giáo sư Thành nhấn mạnh. 

Giáo sư Thành cho biết với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, các trường đại học y dược đang thực hiện đổi mới chương trình đào tạo. Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia) được tạo dựng trên một nền tảng một đại học hàng đầu của cả nước, nhận được sự giúp đỡ của những bệnh viện chuyên ngành hàng đầu đang đào tạo những sinh viên có nền tảng kiến thức cơ bản, kỹ năng lâm sàng tốt.

Vừa qua, vào đầu tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển Bệnh viện Xây Dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bệnh viện Xây dựng trở thành Bệnh viện Đại học Y dược và sẽ hoạt động với tên gọi mới từ tháng 12/2022, có quy mô 500 giường. Bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh, đây sẽ cơ sở nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo thực hành, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y-sinh-dược học, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho sinh viên Trường Đại học Y Dược.

Ngoài bệnh viện này, ông Thành cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội đã có ý tưởng hình thành một tổ hợp y tế từ bộ khung hiện nay của Đại học và Bệnh viện Đại học Y dược, bao gồm hệ thống bệnh viện, phòng khám chuyên khoa công nghệ cao, hợp tác công-tư... với nhiều cơ chế, cách làm năng động phục vụ giảng dạy và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hình thành trên cơ sở Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (hoạt động từ 2012), đến 2020 trở thành Đại học Y dược.

Hiện trường có trên 2.000 sinh viên và trên 200 giảng viên, nhân viên chính thức, chưa kể các chuyên gia y khoa đang làm việc tại các bệnh viện. Năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh 550 chỉ tiêu sinh viên các chuyên ngành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục