Sáng 13/6, Quốc hội dành toàn bộ thời gian để thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều đại biểu quốc hội đã bày tỏ ý kiến để phát triển y tế cơ sở, nhất là những vùng khó khăn.
Trước đó, ngày 25/5, đại diện Chính phủ đã trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chiều 26/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này.
Cần có chính sách ưu đãi đặc thù vùng khó khăn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù cho khám bệnh, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
['Hội đồng y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề là không phù hợp']
Để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Đại biểu Khang Thị Mào chỉ ra điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở y tế hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong khi đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Với chủ trương việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới sẽ triển khai toàn diện tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.
Cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sỹ
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sỹ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay thì trong hai năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có rất nhiều bác sỹ xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế như trên là rất nghiêm trọng, bởi vì nhiều bác sỹ đang có tâm lý không yên tâm công tác. Hiện nay, trên thế giới có một cái loại hình là trợ lý bác sỹ. Họ công tác ở trên 50 nước trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên phát triển loại hình này để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong khi thiếu hụt nhân lực y tế là bác sỹ.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sỹ.
Đại biểu Dung cũng đề nghị với các bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế có quy định xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sỹ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu. Chẳng hạn như y sỹ chuyên ngành sản nhi, chuyên ngành dinh dưỡng hoặc là chuyên ngành y học cổ truyền để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc chứ không phải chỉ ở tuyến y tế cơ sở.
Mặt khác, theo dự thảo Luật, để phát triển cấp cứu ngoại viện thì việc đào tạo chức danh y sỹ theo hướng có kỹ năng cấp cứu ngoại viện, cấp cứu bệnh viện thì đây là đối tượng sẽ gắn bó với y tế cơ sở đồng thời đáp ứng rất nhanh cho cấp cứu tại chỗ, cấp cứu tại cơ sở.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 của dự thảo, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng nhận thấy Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, của Ủy ban Xã hội và tiếp thu ý kiến của đại biểu tại các phiên thảo luận tổ về việc ưu tiên chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật được thể chế theo đúng quy định của Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và quy định của Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; trong đó có vùng miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định./.