Cần có chính sách phù hợp trong việc quản lý nguồn nước tại Việt Nam

Nếu tính theo tiêu chí nguồn nước nội địa, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước, khi 63% tổng tài nguyên nước mặt của Việt Nam có nguồn gốc từ ngoài biên giới.
Nuôi cá lồng trên sông Hồng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội tổ chức tọa đàm về thực trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông ở Việt Nam.

Tọa đàm này là kết nối sự tham gia giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học nhằm giải quyết những bất cập về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ về thực trạng quản lý tài nguyên nước cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội Việt Nam, tiến sỹ Đào Trọng Tứ, chuyên gia tài nguyên nước, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, Việt Nam không phải là quốc gia mạnh về tài nguyên nước bởi hơn 60% lượng nước bề mặt ở Việt Nam có nguồn gốc từ ngoài biên giới.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng một nửa dân số Việt Nam vẫn chưa có đủ nước sinh hoạt. Những vấn đề nảy sinh từ biến đổi khí hậu cũng tác động đến tài nguyên nước Việt Nam, làm gia tăng thách thức vốn đã rất nghiêm trọng…

Tính trung bình mỗi người Việt Nam có thể nhận 9.650m3 nước/năm, trong khi mức trung bình thế giới là 7.400m3 nước/năm. Nhưng xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m3/người/năm, ít hơn mức bình quân toàn cầu 4.000m3/người/năm.

Nếu tính theo tiêu chí nguồn nước nội địa, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Vì 63% tổng tài nguyên nước mặt của Việt Nam là ngoại lai. Cụ thể như ở lưu vực sông Hồng, nguồn nước ngoại lai chiếm 50% tổng khối lượng nước bề mặt; còn ở lưu vực sông Cửu Long, con số này là 90% nên không thể chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước, đặc biệt là khi các quốc gia ở các thượng nguồn ngày càng khai thác triệt để nguồn nước này.

[Báo động ô nhiễm sông Dương Đông trên đảo Phú Quốc]

Bên cạnh đó, tài nguyên nước Việt Nam đang bị đe dọa suy thoái và cạn kiệt do phát triển không bền vững, ô nhiễm và quản lý kém...

Báo cáo đánh giá ngành nước Việt Nam cho thấy, tổng lượng nước mặt hằng năm của Việt Nam vượt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không đều giữa các mùa.

Việt Nam có nguồn chất lượng rất tốt và trữ lượng lớn nước ngầm nhưng phân bố nhiều nơi và bị khai thác quá mức, nên đang có mức sụt giảm nghiêm trọng; tài nguyên nước còn bị ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân...

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế-xã hội sẽ làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng nước, tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Vì vậy, cần giải quyết những bất cập trong công tác quản lý, cần có những chế tài nhất định trong việc quản lý, thanh tra thường xuyên những cơ sở, doanh nghiệp, những điểm ô nhiễm để tránh những hậu quả môi trường nặng nề có thể xảy ra.

Việc kiểm tra phải minh bạch về thông tin cũng như hình thức. Mặt khác tiếp tục hoàn thiện bổ sung và sửa đổi hệ thống pháp luật, trong đó việc xử phạt đối với các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường phải nghiêm minh.

Công tác quy hoạch xây dựng các công trình trên sông cần được xem xét một cách cẩn thận những tác động môi trường-xã hội, có sự góp ý của các chuyên gia chuyên ngành. Đặc biệt, Chính phủ cần có những kiến tạo, hành động, biện pháp kiên quyết mới có thể giữ gìn và trả lại môi trường trong sạch cho các dòng sông hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục