Chiều 2/12, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp nghe Bộ Y tế báo cáo về các nội dung Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều ý kiến đề nghị cần có chế độ chính sách đặc thù, đặc biệt đối với lực lượng phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sỹ.
Báo cáo tại phiên họp về các nội dung thuộc lĩnh vực y tế sẽ được trình trong dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 (dự thảo Nghị quyết), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, gồm: các bác sỹ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành.
Trong số đó, nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí còn trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề; học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc người bệnh...
Tuy nhiên, các hoạt động trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành. Do đó, để giải quyết thực tiễn, Bộ Y tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Y tế và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
[Nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch]
Đối với chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ Bộ đã chỉnh lý quy định tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng quy định về nguyên tắc chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng cần thiết phải có một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Nhiều ý kiến đề nghị xác định rõ trách nhiệm trong huy động và sử dụng nhân lực phòng, chống dịch; quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan cử người đi và cơ quan nhận người đến.
Một số ý kiến chỉ rõ nhân lực tham gia phòng, chống dịch chịu nhiều rủi ro; do đó cần làm rõ việc nếu có sự cố y khoa xảy ra với các nhân lực này thì sẽ xử lý ra sao? Nhiều trường hợp tham gia bị lây nhiễm hoặc hy sinh thì chế độ như thế nào? Các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể chế độ, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với lực lượng phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sỹ.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị làm rõ một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến thuốc, nguyên liệu làm thuốc; chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19; về tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp; kê khai, bình ổn giá trang thiết bị y tế; chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19... đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã báo cáo về tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật năm 2022 gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)./.