Cần có chiến lược bền vững về nguồn hiến tạng từ người cho chết não

Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu tiến bộ vượt bậc của y học. Hiện nay, nhiều người bệnh đã được cứu sống nhờ nguồn tạng hiến từ những người cho chết não.
Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) thực hiện một ca ghép tạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam hiện đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, với khoảng 7.500 ca ghép thành công. Trong số này, chỉ có 6% từ người cho chết não, còn lại hơn 90% từ người cho sống.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết tình hình hiến tạng từ nguồn người cho chết não tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Tính tới đầu năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã xây dựng được danh sách trên 70.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, tuy nhiên đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng số 100 triệu người Việt Nam.

Hiện nay, trong số 25 trung tâm ghép tạng trên toàn quốc chỉ có 5 bệnh viện thực hiện ghép tạng thường xuyên mỗi tuần, còn đa phần các cơ sở khác chưa thực hiện được thường xuyên bởi nguyên nhân thiếu nguồn tạng hiến tặng, nhất là từ nguồn những người cho chết não.

[Ca hiến tạng thứ 100 tại BV Việt Đức giúp hồi sinh nhiều cuộc đời]

Tại Việt Nam mỗi ngày có 36 người chết vì thiếu nguồn tạng để ghép. Vì vậy, việc phát triển bền vững nguồn hiến tạng từ người cho chết não là cần thiết.

- Theo Phó giáo sư, so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam được đánh giá ra sao?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Tỷ lệ người chết não hiến tạng ở Việt Nam rất thấp, so với những nước phát triển trên thế giới cũng như với một số nước ở châu Á.

Chẳng hạn như trên thế giới, Tây Ban Nha và Mỹ có tỷ lệ người chết não hiến tạng/1 triệu dân/1 năm, ở mức cao. Tây Ban Nha khoảng 50 người chết não hiến tạng/1 triệu dân/1 năm, ở Mỹ là khoảng 45-46 người, con số này ở Việt Nam là 0,1 - đây là tỷ lệ rất thấp.

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng cho các nhân viên y tế. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Nếu so với các nước dẫn đầu châu Á như Hàn Quốc, con số là 10-11 người hiến tạng/1 triệu dân/1 năm, Việt Nam vẫn ở khoảng cách rất xa.

Có rất nhiều lý do, từ văn hóa, quan niệm của người dân. Nguyên nhân khiến thân nhân người bệnh từ chối hiến tạng thường là họ quan niệm không muốn thân xác của người quá cố bị xâm phạm do yếu tố văn hóa tâm linh khi chết phải toàn thây, nên khi tuyên truyền với người dân về hiến tạng khi chết não, họ có rất nhiều tâm tư, băn khoăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều nhà sư ở Việt Nam ủng hộ chuyện hiến tạng sau chết não.

Tôi được biết, nhiều tôn giáo trên thế giới đều ủng hộ việc hiến tạng, đặc biệt hiến tạng từ người cho chết não. Chẳng hạn như nhiều Đức Giáo Hoàng các nước đã tham gia vào Ngày hội hiến tạng trên thế giới, hội nghị gặp gỡ trao đổi ủng hộ người hiến tạng chết não.

Tại Việt Nam, số người đăng ký hiến tạng sau chết não vẫn còn khiêm tốn, vì vậy đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung và Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam cần đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não.

- Theo ông, chúng ta cần phải có những giải pháp gì để tăng tỷ lệ nguồn tạng hiến từ người cho chết não?

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ: Có rất nhiều việc phải làm, ngay tại các cơ sở y khoa, y tế, các bệnh viện và cả cộng đồng. Theo tôi, với thực trạng tại Việt Nam hiện nay, chúng ta phải tập trung đầu tiên vào chiến lược làm truyền thông về cung cấp thông tin hiểu biết đúng về chết não và tuyên truyền trong các trường phổ thông, trường đại học, trường y khoa và trong cộng đồng như một số nước đã làm.

Việt Nam hiện đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, với khoảng 7.500 ca ghép thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bởi công tác truyền thông, tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, giúp người dân có cách hiểu đúng đắn về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng.

Theo tôi, truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về ý nghĩa của việc hiến tặng mô, tạng giúp mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân đang chờ tạng ghép.

Đặc biệt, việc truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng không chỉ ở tại cộng đồng, mà ngay trong bệnh viện cũng góp phần rất quan trọng cho việc tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng.

Chúng tôi sẽ tập trung vào các cơ sở y tế để có các chương trình như chương trình truyền thông tại các bệnh viện vừa qua kéo dài 6 tháng đã thu được kết quả khá tốt, khi tăng thêm 300% tỷ lệ người hiến tạng sau chết não.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người sẽ định hướng công tác truyền thông để triển khai đều đặn, có tầm ảnh hưởng rộng đến cả cán bộ nhân viên y tế và nhân dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai truyền thông vận động hiến tặng mô, tạng tại các khoa lâm sàng có máy thở, bệnh nhân chết não tiềm năng như khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại thần kinh, nội thần kinh… trong các bệnh viện thuộc mạng lưới khu vực phía Bắc.

Một điều đặc biệt hơn chúng ta cũng cần lưu ý là thành tựu trong ghép tạng phải được gắn chặt với đóng góp, nghĩa cử cao cả của những người hiến tạng. Chúng ta vinh danh và tri ân những nghĩa cử hết sức nhân văn này và hy vọng những nghĩa cử cao đẹp này sẽ được lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục