Cần cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục vào các đặc khu

Theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh những cơ chế thu hút đầu tư về kinh tế, cần có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục, đào tạo vào các đặc khu để tạo nền tảng vững chắc, phát triển bền vững.
Cần cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục vào các đặc khu ảnh 1Một góc đảo Phú Quý. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Chia sẻ ý kiến bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng của Kỳ họp lần này. Theo các đại biểu, bên cạnh những cơ chế thu hút đầu tư về kinh tế, cần có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục, đào tạo vào các đặc khu để tạo nền tảng vững chắc, phát triển bền vững.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, sự thành bại của một đặc khu phụ thuộc vào chính con người.

Hiện nay, những cán bộ quản lý ở vùng xây dựng đặc khu mới chỉ đáp ứng vị trí thẩm quyền cấp huyện.

Vân Đồn, Phú Quốc hay Bắc Vân Phong trước đây không phải các trung tâm kinh tế lớn nên không sẵn có các nhân sự cấp cao, chuyên gia nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù.

Khi các khu vực này trở thành đặc khu, họ sẽ phải giải quyết công việc cao hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi nguồn lao động cần giỏi về chuyên môn để chủ động và linh hoạt trong từng trường hợp.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng đối với việc phát triển đặc khu. Những nơi xây dựng đặc khu 80% là nông dân và ngư dân, vì vậy cần phải có chính sách thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục như các cơ chế chính sách về kinh tế.

Cho rằng, kinh tế và xã hội phải phát triển song song khi xây dựng đặc khu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, các cơ chế đầu tư cho kinh tế đối với các đặc khu đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên vấn đề về giáo dục vẫn chưa được xem xét cụ thể.

Để phát triển các đặc khu hiệu quả, Nhà nước cần chọn lọc kỹ nguồn nhân lực chuẩn bị bước vào quá trình lao động sản xuất tại các đặc khu và chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện đang làm việc tại địa phương.

Yêu cầu hiện nay là các địa phương quy hoạch lên đặc khu cần phải chủ động lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho từng giai đoạn cụ thể để đáp ứng một phần cho nguồn nhân lực tại địa phương.

"Nếu không được nâng cao trình độ, các lao động khó có thể giữ được việc làm khi thay đổi môi trường, họ sẽ sẽ trở nên lạc hậu, không theo kịp cuộc cách mạng 4.0 và có nguy cơ bị ra khỏi dây chuyền sản xuất," đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

[Đi muộn và đến sau, đặc khu kinh tế Việt Nam làm gì để vượt trội?]

Chủ tịch đặc khu phải là người có tâm, có tầm

Các đại biểu nhận định, đặc khu là một khu vực đặc biệt, vì vậy luật đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ phải mang tính đột phá, tốt hơn các đạo luật khác.

Bên cạnh những ưu đãi về thể chế, kinh tế, thu hút đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng phải trao cho người lãnh đạo của đặc khu công cụ để họ thực hiện những quyết sách. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu người đứng đầu có quá nhiều đặc quyền sẽ tạo ra vấn đề về lợi ích nhóm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, khu hành chính-kinh tế đặc biệt không giống như khu sản xuất, khu kinh tế mở hay khu thương mại tự do… Chính vì vậy, việc tổ chức chính quyền ở đây phải có những quy định đặc biệt.

Theo đại biểu, Nhà nước cần phải xây dựng một thể chế về tư lệnh đặc khu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.

Đây là một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc. Vì vậy, Nhà nước phải tìm được một người xuất sắc để trao cho họ quyền quyết định; cần phải mạnh dạn thiết kế một mô hình tư lệnh của đặc khu hoạt động với cơ chế đặc biệt.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định đã gọi là đặc khu kinh tế đặc biệt, phải có vượt trội, phải được thực nghiệm những chính sách mà pháp luật chưa quy định, nhưng không được trái với Hiến pháp. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chế tài, quy định để quản lý chặt, gắn quyền với trách nhiệm.

Quyền cao hơn, trách nhiệm phải lớn hơn. Theo đại biểu, Chủ tịch đặc khu rất quan trọng, phải là người có tâm, tầm và trách nhiệm với xã hội. Năng lực của người đứng đầu đặc khu cũng vượt qua ngoài khuôn khổ một địa phương, họ phải có tính quyết đoán và chấp nhận hy sinh khi có những quyết định không đem lại sự thành công.

Để người đứng đầu đặc khu có thể thể hiện năng lực xuất chúng, Nhà nước phải có những cơ chế quy định quyền của Chủ tịch, nhưng phải gắn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát để đảm bảo lợi ích cho đặc khu phát triển bền vững.

Phân tích tính hiệu quả khi xây dựng đặc khu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đây là quyết định mang định đột phá, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên Nhà nước tìm ra những nhân tố vượt trội để thúc đẩy kinh tế phát triển của ba miền.

"Chúng ta đang học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, nên cần bình tĩnh xử lý. Không có việc gì mới, mang tính đột phá mà có thể hoàn toàn thắng lợi, vì thế, trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh để dần dần thành công chứ không nên cầu toàn," đại biểu nêu quan điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục