Cần có chế tài xử lý nghiêm minh hành vi lãng phí

Cử tri cho rằng việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời điểm hiện nay là cần thiết, cấp thiết và quan trọng.
Theo dõi phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sáng 18/6, được tường thuật trực tiếp, cử tri cả nước đã có nhiều ý kiến sâu sắc.

Phóng viên TTXVN ghi lại một số ý kiến của cử tri về vấn này tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên-Huế.

Việc sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cần thiết

Luật sư Nguyễn Văn Tâm, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Lạc Việt cho rằng việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời điểm hiện nay là cần thiết, cấp thiết và quan trọng; nhất là đối với công tác phòng chống tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Văn Tâm đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc khi cho rằng Dự thảo luật chưa đề cập nhiều đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hiện nay, việc chống lãng phí là rất khó do cơ chế phân cấp còn quá nhiều. Các phạm trù lãng phí ngoài tài sản như lãng phí thời gian, nhân lực, đào tạo… chưa được đề cập; các lĩnh vực trọng tâm trong chống lãng phí như tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản chưa được nhắc nhiều. Một số quy định về hành vi lãng phí, mức độ lãng phí lại chưa được điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự nên khó có tính khả thi.

Luật sư Nguyễn Văn Tâm cũng đề xuất sửa lại tên luật thành “Luật chống lãng phí, thất thoát tài sản” vì chữ “tiết kiệm” thiên về đạo đức, sự vận động ứng xử hơn là tính pháp chế, ràng buộc.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật sửa đổi cần xoáy mạnh vào những vấn đề sâu sát của cuộc sống, tập trung vào những lĩnh vực như tài chính ngân hàng, xây dựng đầu tư cơ bản. Dự thảo cần mở rộng phạm trù lãng phí, cụ thể hóa các quy định để dễ áp dụng, quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức để xảy ra thất thoát, lãng phí. Dự thảo cũng nên đưa vai trò tiên phong của báo chí trong chống thất thoát lãng phí, đồng thời quy định việc cơ quan chức năng phải công khai các dấu hiệu và hành phi lãng phí, gây thất thoát để nhân dân giám sát theo dõi, giám sát.

Cần có chế tài xử lý nghiêm minh


Nhận xét về phiên thảo luận, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan Hà Nội cho rằng các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực đóng góp vào Dự thảo Luật. Điển hình là những ý kiến như vai trò quyết định của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong các tổ chức, cơ quan Nhà nước; chế tài xử lý vi phạm...

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2006. Sau 7 năm thực thi, Luật đã thu được kết quả nhất định trong khâu tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng tài sản, chi tiêu công. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng lãng phí vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, khai thác, sử dụng, tài sản - vốn Nhà nước, tài nguyên quốc gia; trong Luật bộc lộ một số hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Góp ý kiến vào việc hoàn thiện Luật, ông Tuấn Anh cho rằng Dự thảo Luật phải sớm đưa ra các chế tài xử lý nghiêm minh để răn đe, loại bỏ hành vi lãng phí bởi hành vi này làm tốn kém tiền bạc của xã hội. So với tham nhũng, lãng phí dễ "điểm mặt" hơn như lãng phí đất đai, xây dựng, tổ chức họp hành, lễ hội..., từ cá nhân đến tập thể, toàn xã hội. Để thực hiện được điều đó, cần sự đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả các bộ luật khác. Quốc hội nên xem xét, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh lãng phí. Để triệt để thực hành điều này, chúng ta phải quy rõ trách nhiệm, chế tài xử lý nghiêm minh những người gây ra lãng phí, trong đó đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, người ban hành quyết định, ra quyết định dẫn tới việc gây lãng phí, ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng băn khoăn về việc Dự thảo luật còn nhiều điều khoản quy định chung chung, khó hiểu, chưa cụ thể rõ ràng, và thiếu tính khả thi như quy định “giải trình trước công luận” hay “phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Ngoài ra, quy định trong khu vực tư nhân còn hình thức, chưa quy định rõ, cơ chế kiểm soát và chế tài chưa có, chỉ mang tính khuyến khích và động viên. Theo ông Tuấn Anh, quy định của Luật cũ và các luật liên quan có rất nhiều và khá chặt chẽ, nhưng quan trọng là khâu thực hiện như thế nào chứ không phải cứ thấy có vấn đề là lại đem luật ra sửa.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song tình trạng lãng phí vẫn được chưa ngăn chặn hiệu quả. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời khắc phục những tồn tại, gia tăng các biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí.

Thực tiễn cho thấy trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, cần phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong khi việc ban hành văn bản pháp luật còn chồng chéo, chậm trễ chưa đi vào cuộc sống, luật vừa ban hành đã phải sửa dẫn đến lãng phí ngân sách Nhà nước. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, đấu thầu, quản lý sử dụng đất đai, vốn, tài sản, ngân sách Nhà nước trên mọi lĩnh vực vẫn xảy ra do thiếu quy định và chế tài xử phạt cụ thể.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị bổ sung vào dự án sửa đổi các quy định về phòng, chống lãng phí trong quy định về tiếp khách, khánh tiết, khai trương, khởi công, khánh thành, lễ hội, việc cưới, việc tang... vì đây đang là những hoạt động xảy ra lãng phí rất lớn. Bổ sung thêm quy định chống lãng phí về các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên con người, chống lãng phí trong sử dụng nhân tài, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước...

Trong dự thảo luật, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu để có chế tài xử lý, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong chống lãng phí, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần tăng cường hoạt động giám sát, quy định rõ trách nhiệm của người gây lãng phí, lãng phí đến mức độ nào thì bị xử lý hình sự; kiến nghị cần thực hiện cơ chế khoán chi để các thủ trưởng cơ quan có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn lao động, tránh lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội, dự thảo Luật cần bổ sung quy định, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí.

Trách nhiệm của báo chí đối với việc phát hiện lãng phí cũng chưa được đề cập trong dự thảo luật, trong khi thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí là do báo chí phát hiện. Cần quy định trách nhiệm của người phát hiện lãng phí về tính trung thực của các thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí trong việc xem xét xử lý, khắc phục và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục