Cần cơ chế khuyến khích đầu tư để vực dậy ngành cơ khí

Nhiều ý kiến cho rằng, để vực dậy ngành cơ khí, ngoài việc tạo thị trường rộng cho các doanh nghiệp thì cần các cơ chế để khuyến khích họ đầu tư, mở rộng sản xuất.
Sản xuất các thiết bị cơ khí cỡ lớn tại Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sản xuất các thiết bị cơ khí cỡ lớn tại Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhiều năm qua, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cởi mở của Đảng và Nhà nước, ngành cơ khí Việt Nam đã sản xuất được một số sản phẩm đạt chất lượng để có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.

Tuy nhiên, ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực vẫn là sự yếu kém, lạc hậu về đầu tư và công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, để vực dậy ngành cơ khí, ngoài việc tạo thị trường rộng cho các doanh nghiệp thì cần các cơ chế để khuyến khích họ đầu tư, mở rộng sản xuất.

Tại hội nghị Giải pháp cho ngành cơ khí mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Sự tụt hậu của cơ khí

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), nhờ các chính sách của Chính phủ, ngành cơ khí đã có 8 nhóm ngành có sản phẩm tốt và đủ sức cạnh tranh, như chế tạo các sản phẩm kết cấu thép, hàng phi tiêu chuẩn, thi công lắp máy, thiết bị để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp; đầu tư sản xuất lắp ráp một số loại ôtô tải, ôtô buýt, ôtô dưới 9 chỗ; đóng tàu; máy và động cơ nông nghiệp; động cơ, máy biến áp điện, khí cụ và dây điện cao áp, hạ áp; thiết bị nâng tải trọng lớn hàng trăm tấn; phụ tùng thay thế cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng sản. Và cuối cùng là chế tạo được một số vũ khí, khí tài, công cụ quốc phòng để tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, thực tế, công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, ngành sản xuất cơ khí của Việt Nam đang mất cân đối về mặt đầu tư của nhà nước so với các ngành công nghiệp, kinh tế khác.

Việt Nam hiện chỉ có khoảng 20.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa (không tính doanh nghiệp FDI) đang sản xuất, kinh doanh; nhưng số doanh nghiệp có lượng cán bộ nhân viên từ 500 người trở lên chỉ khoảng 100 doanh nghiệp, còn lại đa phần có quy mô nhỏ.

"Là ngành giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và an ninh quốc phòng nhưng công nghiệp cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa. Trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp cơ khí hiện nay còn khá lạc hậu, đặc biệt là so với các quốc gia trong khu vực," ông Long nói.

[Thủ tướng: Tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển]

Cùng quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (Agrimeco) cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí thực sự mới chập chững bước vào nền kinh tế thị trường trong 20 năm nay.

Với nguồn lực hạn chế về tài chính, công nghệ yếu, kinh nghiệm quản trị lạc hậu so với quốc tế, nhưng ngành cơ khí Việt Nam phải cạnh tranh trong một nền kinh tế thế giới hội nhập hoàn toàn như hiện nay.

Nếu không có định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, vòng quay vốn rất chậm như đã được đề cập nhiều lần.

Hiện nay thị trường của ngành cơ khí đang trong giai đoạn đầu phát triển, những công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất là lớn với năng lực của doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam có thể tham gia đến 80% nhưng hiện nay các doanh nghiệp chưa tận dụng được thị trường đó.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư để vực dậy ngành cơ khí ảnh 1Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất linh kiện thân vỏ ôtô Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam. ( Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cơ hội nào cho ngành cơ khí?

Nhiều ý kiến nhận định, “cửa sáng” cho ngành cơ khí trong nước phát triển vẫn còn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Việt Nam càng có thêm kết nối, chuyển giao công nghệ nhanh chóng hơn.

Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (Agrimeco) cho rằng, với định hướng Chính phủ kiến tạo, nhà nước hoàn toàn có hỗ trợ về mặt thị trường cho các sản phẩm cơ khí, đặc biệt là cơ khí trong xây dựng cơ sở hạ tầng cần được nội địa hóa như các nhà máy nhiệt điện; Đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc Nam; Các sân bay, đặc biệt là sân bay Long Thành sắp tới; Các dự án nhà cao tầng và các dự án hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần định hướng để các nhà thiết kế mạnh dạn áp dụng kết cấu thép nhiều hơn thay thế cho các công trình bê tông truyền thống không thực sự hiệu quả bằng giải pháp sử dụng kết cấu thép.

Theo ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), ở lĩnh vực cơ khí cho ôtô, một số nhà sản xuất đã có chủ trương tích cực đầu tư để nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung ứng trong nước để đẩy nhanh quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của các nhà sản xuất để xử lý các yếu kém của ngành để nâng hiệu quả sản xuất, cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, ông Kinoshita cho rằng, các giải pháp liên quan đến chính sách thuế nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước về dài hạn. Hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không thể là giải pháp hiệu quả và ổn định vì rất khó để hiệu chỉnh và tạo ra một tỷ lệ cân bằng hợp lý giữa xe sản xuất và xe nhập khẩu.

Cùng với đó là các vấn đề có tính hệ thống như: đầu tư lớn khi mà sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao. Các vấn đề này vẫn làm phát sinh khoảng cách chi phí và cần có các định hướng và chính sách mạnh mẽ và cụ thể của nhà nước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí.

Nếu có được các chủ trương và định hướng như vậy, đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này sẽ mạnh mẽ hơn, mở rộng hơn danh mục các linh kiện có thể nội địa hóa được. Để thúc đẩy đầu tư vào ngành cơ khí, đại diện Doosan Việt Nam cho rằng, đặc thù của sản xuất cơ khí là vốn đầu tư rất lớn và mỗi sản phẩm cần một thời gian sản xuất nhất định.

Do vậy, Chính phủ cần triển khai chương trình chính sách tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tại Việt Nam một cách thực chất hơn nữa, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí nhưng rất ít và rất khó tiếp cận các nguồn vốn này.

Tại hội nghị Giải pháp cho ngành cơ khí mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn.

Thủ tướng cũng cho biết, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa; tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển; trong đó, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí; đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước...

Hy vọng, sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ khí Việt Nam sẽ có “cửa” vượt lên những yếu kém hiện tại, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế, để vực dậy ngành sản xuất xương sống của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục