Cần cơ chế hỗ trợ riêng cho “đầu tàu” kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng để phục hồi kinh tế, TP Hồ Chí Minh cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn giải pháp chung của cả nước và quan trọng nhất là dòng vốn cho doanh nghiệp.
Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn tháng 7/2021. (Ảnh: Xuân Anh - TTXVN)
Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn tháng 7/2021. (Ảnh: Xuân Anh - TTXVN)

Dưới ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng dịch COVID-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố Hồ Chí Minh quý 3 vừa qua ghi nhận con số thấp kỷ lục chưa từng có: âm 24,39%, cộng thêm nhiều lĩnh vực, nhiều ngành gãy đổ.

Bước sang tháng 10, 11 dù hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… có tín hiệu tích cực hơn, tuy nhiên bức tranh kinh tế thành phố nhìn chung vẫn rất khó khăn.

Theo đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp, với việc đóng góp 22% GDP của cả nước và khoảng 27% tổng thu ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh đang cần cơ chế hỗ trợ nhiều hơn để có thể nhanh chóng phục hồi, tiếp tục là “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn

Sau hơn một tháng “mở cửa,” hoạt động các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất khó khăn. Việc tổ chức các tour du lịch mới chỉ mang tính “thăm dò” là chính.

Phần lớn các địa phương hiện đã áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” thế nhưng để tổ chức được các tour về tỉnh, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều quy định phòng dịch và mỗi nơi quy định mỗi khác khiến việc tổ chức tour gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể phát sinh nhiều chi phí liên quan.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Lửa Việt, cho biết trải qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu hạn chế, nguồn lực tài chính của công ty theo đó ngày càng cạn kiệt dẫn đến việc trợ cấp lương cho nhân viên ngày càng thấp.

Dù đã mở cửa, nhưng hoạt động du lịch hiện vẫn chưa thể phục hồi như mong muốn. Không ít nhân viên du lịch đã bỏ nghề hoặc phải kiếm việc làm thêm vì không thể cầm cự được.

“Điều doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay và chúng tôi đã đề xuất rất nhiều lần, đó là ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp được cho vay trả lương lao động với lãi suất 0%. Nhà nước có thể dựa vào báo cáo tài chính, những doanh nghiệp trước đây đóng thuế nhiều để làm căn cứ cho vay. Thực tế chính sách hỗ trợ này hiện đã có, chỉ là việc tiếp cận vẫn còn rất nhiều khó khăn,” ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Đối với chính sách hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết sô 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, đại diện công ty này cũng cho biết, với tình hình hiện nay, kết quả kinh doanh năm 2021 khó có thể khả quan với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, thậm chí còn thua lỗ rất lớn.

Vì vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có tác dụng hỗ trợ, trong khi đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt dịch bùng phát.

Chính sách hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có nhiều tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất như cao su-nhựa, cơ khí-điện… ở Thành phố Hồ Chí Minh, do kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay phần lớn các doanh nghiệp cao su-nhựa, nhất là có doanh thu dưới 200 tỷ đồng sẽ không có lãi, do giãn cách kéo dài, sản xuất 3 tại chỗ thì chi phí rất cao.

Chưa kể, hiện chi phí nguyên vật liệu, logistics… đều tăng cao, trong khi tiêu thụ còn khó khăn đang khiến doanh nghiệp khó có thể phục hồi mạnh mẽ như trước. Vì vậy, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không mang lại lợi thế cho doanh nghiệp trong ngành.

“Do đứt gãy chuỗi cung ứng trong một thời gian dài giãn cách xã hội, hiện nhiều doanh nghiệp ngành cao su-nhựa tiêu thụ nội địa đang thiếu hụt dòng tiền để chi trả các khoản lãi vay ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cơ cấu lại nợ, giãn nợ hoặc khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành có chính sách kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua hàng hóa trên thị trường, qua đó cũng giúp dòng tiền của doanh nghiệp ổn định trở lại,” ông Nguyễn Quốc Anh nói.

[Phương án khôi phục sản xuất sau giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh]

Ngoài “đau đầu” về vấn đề tìm lao động thay thế cho lực lượng đã trở về quê do COVID-19, không ít doanh nghiệp dệt may cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May-Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến, các doanh nghiệp phải mất trên 2 năm mới có thể khôi phục lại hoạt động như thời điểm trước dịch, trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng vẫn không đổi, đòi hỏi phải không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo hoặc có doanh thu, lợi nhuận… Do đó, nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt trong việc hỗ trợ vốn thì các doanh nghiệp sẽ rất khó để phục hồi.

Cần cơ chế hỗ trợ riêng cho “đầu tàu” kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận có ca nhiễm COVID-19 tạm ngừng hoạt động để phòng dịch tháng 7/2021. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn do không tiếp cận được với khách hàng, không giới thiệu, mở bán được sản phẩm…. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa trở lại, các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thị trường có khả năng tự phục hồi. Các doanh nghiệp bất động sản không xin nhà nước hỗ trợ tiền mà chỉ mong được tháo gỡ các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.

Chẳng hạn, vấn đề đất công xen cài đã được tháo gỡ nhưng khâu tổ chức thực hiện còn chậm; các nút thắt về thủ tục pháp lý liên quan đến triển khai dự án…

Cần chính sách hỗ trợ riêng

Dưới góc độ của chuyên gia, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng để phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn giải pháp chung của cả nước. Trong đó, quan trọng nhất là dòng vốn cho doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp hiện không đủ điều kiện để vay do nợ quá hạn.

Các chính sách miễn thuế không có nhiều ý nghĩa, vì phần lớn doanh nghiệp gãy đổ và rất cần dòng tiền mới để hoạt động.

Đối với một số doanh nghiệp “nợ chồng nợ,” không còn “quota” để vay nữa, nhưng có phương án kinh doanh khả thi thì có thể tạo điều kiện cho họ thông qua một gói kích cầu hỗ trợ.

Giải pháp này gọi là “nuôi nợ để đòi nợ,” xuất phát từ một chương trình từ giai đoạn năm 2008-2009, còn gọi là chương trình "tay 3" gồm nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Sau khi được thẩm định và cấp vốn, họ có thể làm ra tiền để trả nợ cũ cũng như nợ mới. Giải pháp này đã giúp nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh khi đó thay vì "chết" thì phục hồi phát triển, trả được nợ cũ, không vướng nợ quá hạn.

“Kinh nghiệm từ giai đoạn trước là những doanh nghiệp này thường sẽ lo làm ăn, trả nợ, không nợ quá hạn. Vấn đề hiện nay là cần có cơ chế để ngân hàng thương mại không sợ trách nhiệm, vì những khoản vay này thường vượt ngoài khuôn khổ quy định. Những giải pháp đã có trong quá khứ, đã thành công có thể áp dụng trong điều kiện hiện nay,” Tiến sỹ Trần Du Lịch đề xuất.

Ngoài ra, thành phố cần có các biện pháp đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh chi ngân sách để kích thích tổng cầu nền kinh tế, cũng là cách tạo dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo vị chuyên gia này, để có nguồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố có thể đề nghị Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương vượt khung. Bởi khi thành phố phục hồi trở lại, khả năng trả nợ rất cao.

Mặt khác, thành phố cũng có thể tính toán đến các nguồn khác như đấu giá quỹ đất, nguồn vốn cổ phần hóa… để tạo nguồn riêng bổ sung gói hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh các gói Chính phủ hỗ trợ chung cho cả nước. Song song với đó, cần tiếp tục cải cách một số thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp chỉ lo tổ chức lại sản xuất, không phải lo về thủ tục.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ hiện nay như Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH vẫn còn chưa bao quát và đầy đủ, chưa tính đến đối tượng doanh nghiệp thua lỗ.

Với tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ cần xem xét hỗ trợ nhiều hơn đến những doanh nghiệp nằm trong vùng giãn cách, bị phong tỏa kéo dài. Đồng thời, phân chia từng nhóm đối tượng khác nhau một cách phù hợp thì chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả.

Chẳng hạn, đối với chính sách tín dụng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cho rằng vấn đề cần tháo gỡ nhất hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ưu đãi từ ngân hàng.

Với những điều kiện cho vay như hiện nay, doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận, song nếu nới điều kiện vay vốn thì bản thân các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn và có nhiều rủi ro.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, trên thực tế chi phí trả lãi hiện nay vẫn còn cao, tuy nhiên các ngân hàng khó có thể hạ sâu lãi vay trong bối cảnh lạm phát có khả năng tăng cao và huy động vốn còn khó khăn.

Do đó, Nhà nước phải có một quỹ hỗ trợ, một nguồn lực ngân sách đủ lớn để thực hiện hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp. Quỹ này có thể hình thành từ nguồn đầu tư công nhưng chưa phân bổ vì chưa có dự án hay dự án không triển khai.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp hiện muốn tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không thể vay, do không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có một quỹ bảo lãnh tín dụng, để giải quyết bài toán thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục