Cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho khoa học và công nghệ

Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng, đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao.
Cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho khoa học và công nghệ ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 23/10, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung thể hiện toàn diện, khái quát cao; vừa có tính kế thừa, phát triển, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào những lĩnh vực trong dự thảo các văn kiện.

Góp ý về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, các ý kiến cho rằng những năm qua, khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học tự nhiên tiếp tục phát triển các ngành khoa học cơ bản, cũng như những lĩnh vực khoa học và công nghệ liên ngành; khoa học mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ hiện nay chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới.

Cơ bản nhất trí với những mặt đạt được cũng như hạn chế về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện nay, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng phương hướng, nhiệm vụ nêu trong dự thảo văn kiện “Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” là chưa ổn. Theo đại biểu, dự thảo văn kiện cần phải có một sự đánh giá và xác định rõ lại. Bởi các nước dẫn đầu ASEAN hiện nay họ không chờ chúng ta đến năm 2020 hoặc năm 2030.

Theo đại biểu Đào Việt Trung (Đồng Tháp), Việt Nam đã có nhiều giải pháp, nghị quyết về vấn đề khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, chừng mực nào đó nếu nhà nước chưa quan tâm, đầu tư một cách quyết liệt và mạnh mạo lĩnh vực khoa học, công nghệ thì khó có thể tạo được sự khởi sắc trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Đào Việt Trung cho rằng trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nhà nước cần quan tâm mạnh hơn nữa đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ; đồng thời, cần tạo những cơ chế chính sách để các tập đoàn, doanh nghiệp cùng chúng ta đầu tư vào lĩnh vực này. Chứ chỉ mỗi ngân sách của nhà nước như hiện nay thì khoa học, công nghệ khó có thể phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhà nước cần có sự đầu tư một cách “mạo hiểm” và phải có sự đổi mới trong cơ chế quản lý đối với khoa học, công nghệ, để tạo cho giới khoa học cũng như lĩnh vực này có được sự tự chủ và môi trường thuận lợi hơn cho phát triển.

Cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nêu trong dự thảo văn kiện là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế,” tuy nhiên đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) cho rằng viết như thế chưa rõ, cần thể hiện lại theo hướng tách riêng khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng.

Thảo luận nội dung phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Báo cáo chính trị. Theo đó, thời gian qua, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế-xã hội từ trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng...

Góp ý nội dung trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kếm về phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời gian qua do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này là chưa hợp lý. Đề nghị, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm có hay không sự quản lý, thiếu kịp thời của trung ương và người đứng đầu đơn vị, ngành chủ quản đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Theo chương trình, ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục