Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động tương tự Nghị quyết 68

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ đảm bảo việc làm cho doanh nghiệp, lao động từ kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Công nhân dệt may phải giãn ca do thiếu đơn hàng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Công nhân dệt may phải giãn ca do thiếu đơn hàng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành và thực hiện đã góp phần duy trì cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm. Điểm sáng của việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP là chính sách này đã hỗ trợ một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, thậm chí một số chính sách còn được đề xuất tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. 

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45.600 tỷ đồng. Trong 12 chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động được đánh giá là chính sách có mức độ triển khai thấp nhất.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này mới chỉ tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Hưng cho rằng nguyên nhân của việc giải ngân thấp là do điều kiện xét hưởng của chính sách khá chặt chẽ; thời điểm thực hiện chính sách diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động đào tạo không thực hiện được.

“Sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tập trung sử dụng lao động cho phục hồi sản xuất, kinh doanh nên không thể bố trí lao động để đào tạo lại lao động,” ông Nguyễn Huy Hưng lý giải.

[Nghị quyết số 68: Chi hơn 45.600 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp]

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra rằng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong thời gian triển khai tại doanh nghiệp đã bộc lộ rất nhiều vướng mắc liên quan đến tiêu chí thụ hưởng, thời gian thực hiện.

“Sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án đào tạo về thời gian, vị trí việc làm đối với doanh nghiệp chưa thực sự phù hợp; điều kiện, tiêu chuẩn đưa ra để thụ hưởng cũng còn những bất cập. Có rất nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hồ sơ trong vòng 6 tháng nhưng đến giai đoạn để nhận được nguồn hỗ trợ lại xin rút hồ sơ, do đó chúng tôi nghĩ không phải chính sách của chúng ta gây khó, nhưng có thể trong quá trình thực hiện tiêu chí quy định chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp,” bà Vi Thị Hồng Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Hưng cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, tác động trên nhiều mặt, khó dự báo trong khi các chính sách hỗ trợ khẩn cấp đòi hỏi phải xây dựng nhanh, nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ, dẫn đến một số nội dung đề xuất ban đầu còn chưa sát với thực tiễn hoặc kết quả thực hiện chưa đạt được kết quả như dự kiến.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Mặc dù việc thực hiện không đạt như mong muốn ban đầu, nhưng đại diện doanh nghiệp cho rằng có hai chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68 là vay vốn trả lương ngừng việc và hỗ trợ đào tạo nghề cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới đây. Trong điều kiện có thể không kéo dài thêm việc thực hiện Nghị quyết 68, đại diện VCCI kiến nghị nên chăng xem xét, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phù hợp liên quan đến việc hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động tương tự Nghị quyết 68 ảnh 1Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đới với chính sách hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động, bà Minh cho biết hiện nay qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp tại một số địa phương, mặc dù bức tranh tổng thể có thể thấy chưa nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giai đoạn COVID-19 nhưng có thể trong quý 1, quý 2/2023 doanh nghiệp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để những doanh nghiệp có phương án cắt giảm có kinh phí trả lương, giữ chân lao động; bên cạnh đó kết nối nguồn hỗ trợ này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Giai đoạn doanh nghiệp phải cho lao động ngừng việc chính là thời điểm phù hợp để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất,” bà Vi Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Cũng chỉ ra bức tranh lao động bị mất việc làm, giãn việc cần có chính sách hỗ trợ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thống kê của tổ chức công đoàn cho thấy đến đầu tháng 12/2022 đã có khoảng 482.000 lao động bị ảnh hưởng như mất việc, trong đó, số người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng. Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thống kê số lao động bị chấm dứt hợp đồng không quá lớn so với số bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên chăng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành có thể nghiên cứu tiếp tục đề xuất, tham mưu với Chính phủ có một chính sách hay nghị quyết giống với Nghị quyết 68 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và người lao động bị ảnh hưởng do việc cắt, giảm đơn hàng có công ăn việc làm,” ông Phan Văn Anh kiến nghị.

Trước những đề xuất về chính sách hỗ trợ trong thời gian tới của đại diện doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết đến nay đại dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt và đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được thiết kế mang tính chất ngắn hạn, áp dụng mang tính tạm thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuối năm 2022 đã ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn lao động phải tạm hoãn hợp đồng, mất việc. Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh xây dựng chính sách quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả và giảm thiểu thủ tục hành chính nhiều nhất có thể. Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh, đó là cái khó trong xây dựng chính sách để thời gian tới hỗ trợ tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục