Cần chính sách để khẳng định chủ quyền số quốc gia

Những mặt trái của Internet đặt ra bài toán trong việc đưa ra chính sách để quản lý thông tin và khẳng định chủ quyền số quốc gia.
Chủ trì tọa đàm "Chủ quyền số quốc gia" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng ngoài những mặt tích cực mà Internet mang lại, chúng ta đã và đang gặp phải những mặt trái và nhiều vấn đề phát sinh.

Thứ trưởng cho rằng điều này đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước những bài toán hóc búa trong việc đưa ra những chính sách, định chế pháp lý để quản lý thông tin trên Internet và khẳng định chủ quyền số quốc gia, vị trí của Việt Nam trên thị trường Internet toàn cầu.

Ông Igor Ashmanov - Tổng Giám đốc Ashmanov nhấn mạnh doanh nghiệp nào nắm được hệ thống tìm kiếm và nội dung số trên Internet, doanh nghiệp đó có được sự chú ý cũng như tiền của người tiêu dùng.

Song tại Việt Nam hiện nay, thị phần nội dung số trên Internet được chia đều giữa các tập đoàn nước ngoài như Google, Yahoo, Facebook và YouTube.

Trong danh sách 10 website có lượng truy cập lớn nhất tại Việt Nam chỉ có 4 địa chỉ có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Do vậy, việc xác định chủ quyền số quốc gia giúp Chính phủ khẳng định được quyền và khả năng của mình trong việc thực hiện những chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia trong lĩnh vực thông tin; sở hữu các tài nguyên thông tin, xây dựng hạ tầng thông tin và đảm bảo an toàn thông tin cho quốc gia.

Ông Igor Ashmanov cũng chỉ ra những yếu tố nền tảng của chủ quyền số quốc gia, bao gồm thuật toán mã hóa riêng của quốc gia, có các thiết bị mạng riêng, có bộ vi xử lý riêng, hệ thống định vị địa lý, các phần mềm (hệ điều hành của quốc gia, ứng dụng văn phòng, trình duyệt...) và hạ tầng thông tin Internet quốc gia.

Bên cạnh đó, để điều tiết và tạo ảnh hưởng đến việc truy cập thông tin, Chính phủ nên chú trọng tới việc xây dựng hệ thống tìm kiếm và cổng thông tin quốc gia; hệ thống thu thập và phân tích thông tin; hệ thống quảng cáo theo nội dung của quốc gia và bộ lọc web.

Những hệ thống này góp phần giúp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển thị trường nội địa và chủ động trong việc tìm kiếm, ngăn chặn các trang web bất hợp pháp. Đây cũng chính là cơ sở để phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam và là một bước dài trong việc xây dựng chủ quyền số quốc gia./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục