Cần chiến lược tổng thể khai phá 'mỏ vàng' du lịch golf Việt Nam

Những năm tới đây, du lịch golf Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bước sang trang mới, trở thành “gà đẻ trứng vàng,” điểm đến hút dòng khách hạng sang của thế giới.
Nằm ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội, Sân Golf Long Biên có tới 27 đường Golf theo tiêu chuẩn PGA, do một trong những công ty thiết kế sân golf chuyên nghiệp hàng đầu thế giới thiết kế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam được tô điểm bởi nhiều sắc màu đối lập, vừa là “điểm đến giá rẻ” của thế giới nhưng mặt khác cũng thu hút dòng khách chi tiêu cao cho sản phẩm siêu lợi nhuận - du lịch golf.

May mắn sở hữu địa hình đa dạng, hệ sinh thái phong phú cùng các bãi biển đẹp, Việt Nam trở thành điểm đến có lợi thế cho phát triển du lịch golf. Nhưng để dòng sản phẩm này thực sự là “con gà đẻ trứng vàng,” ngành du lịch nước nhà còn rất nhiều việc phải làm.

Cơ hội nào cho “Golf tour”?

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), hiện có khoảng 60 triệu golfer (người chơi golf) khắp năm châu và mức chi tiêu của họ thường nhiều hơn 2 lần so với du khách thông thường. Chính vì thế du lịch golf từ lâu đã được các nước coi là ngành kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ.

[Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm tại các dự án sân golf]

IAGTO quy tụ 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hàng năm với gần 1,9 triệu golfer thường xuyên di chuyển tới các sân golf.

Tuy chưa phải là điểm dừng chân ưa thích của dòng khách hạng sang chuyên sử dụng dịch vụ cao cấp, nhưng vài năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trong những điểm sáng của golf thế giới nhờ sức hấp dẫn khác biệt của một điểm đến mới có địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc... mang đến nhiều thách thức và trải nghiệm độc đáo cho người chơi.

Golf giờ đây đã trở thành bộ môn thể thao yêu thích của phái đẹp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

World Golf Award đã đánh giá Việt Nam là Điểm đến golf tốt nhất thế giới và châu Á các năm 2019, 2021, 2022; tạp chí Asia Golf công nhận Việt Nam là Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Viện trưởng Viện Khoa học Thể thao, Tổng cục Thể dục thể thao Trần Hiếu cho biết Việt Nam hiện đã có 60 sân golf 18 hố đi vào hoạt động, dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 200 sân.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, cũng chính nhờ sự khác biệt đó mà hai tháng đầu năm 2023, có tới 800.000 khách du lịch golf trên tổng số 1,8 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, hầu hết có mức chi tiêu khoảng 40 triệu đồng/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Trong khi đó, du khách quốc tế phổ thông chi tiêu bình quân 130 USD/ngày (khoảng 3 triệu đồng).

Các chuyên gia nhận định “Golf tour” chính là giải pháp tăng doanh thu cho nền kinh tế xanh nước nhà. Bởi khách chơi golf thường có thu nhập cao, đến và quay lại những điểm chơi golf nhiều lần. Họ không chỉ chơi golf mà còn sử dụng chuỗi dịch vụ cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng...

Do đó, đầu tư phát triển du lịch golf cũng là con đường cho du lịch Việt nâng tầm chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

Phối cảnh tổng thể dự án Văn Lang Empire Golf Club.
 

“Mỏ vàng” lộ thiên

“Mỏ vàng” đã lộ thiên với nhiều lợi thế, song giới chuyên gia đánh giá du lịch golf Việt Nam vận hành còn thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt thiếu một chiến lược phát triển tổng thể và dài hơi để vừa khai phá hết tiềm năng, nâng tầm vị thế nhưng cũng vừa phát triển golf phong trào thành loại hình thể thao mà nhiều người có thể tiếp cận.

Về nguyên nhân, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định do chưa có chính sách hỗ trợ riêng dành cho loại hình du lịch golf. Bởi chính phủ vẫn coi ngành kinh doanh golf là dịch vụ xa xỉ nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 20% khiến du lịch golf nước nhà mất đi tính cạnh tranh với các nước vốn đã đi trước Việt Nam rất xa.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Trần Ngọc Hải, nhận định du lịch golf Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như: Hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm đến du lịch golf, nhân lực hạn chế, sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, du lịch golf chưa kết nối được với các thành phần khác trong ngành du lịch, truyền thông về sản phẩm còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf…

Đáng nói, du lịch golf non trẻ của Việt Nam có số lượng sân còn khiêm tốn, mới 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan có 300 sân, Malaysia có 230 sân, Indonesia có 152 sân; chi phí lại cao hơn từ 1,5-2 lần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đã “đi sau” lại thiếu tính cạnh tranh, vậy làm sao để phát triển du lịch golf hiệu quả? Theo ông Vũ Thế Bình, trước mắt cần có chiến lược lâu dài và mang tính toàn diện chung cho tất cả các doanh nghiệp. Song, các doanh nghiệp golf cũng cần phải liên kết thành hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là thế mạnh của du lịch Việt để chung đích đến.

Sân golf The Bluffs có view biển. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Ông Bình lưu ý lộ trình và kế hoạch phát triển này cần phải thông qua nghiên cứu thị trường về các sân golf hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam; chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ “đầu mối” là các công ty lữ hành, bởi họ có vai trò quan trọng trong kết nối với hàng không, sân golf, các điểm đến, nhà hàng, khách sạn...

Trong nỗ lực phát triển du lịch golf Việt, nhằm góp phần giải quyết “bài toán” nhân lực còn hạn chế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép đào tạo Cử nhân thực hành và Trung cấp KTV golf và Du lịch golf từ 12/2020 với mục đích nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực golf phục vụ du khách.

Theo lộ trình này, trong những năm tới đây, du lịch golf Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bước sang trang mới, trở thành “gà đẻ trứng vàng,” điểm đến hút dòng khách hạng sang của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục