Cần chiến lược mới cho sự bùng nổ của các đô thị

Để đối phó với đô thị hóa, các nước đang phát triển cần quy hoạch ranh giới đô thị rộng rãi, bảo vệ có lựa chọn các không gian mở...
Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh các thành phố và Viện Lincoln về chính sách đất đai của Mỹ vừa ra một nghiên cứu chung kêu gọi thế giới xây dựng các chiến lược mới để sẵn sàng cho sự phát triển bùng nổ của các đô thị trên toàn cầu.

Nghiên cứu trên nhấn mạnh đô thị hóa đã trở thành hiện tượng bùng nổ của thế kỷ 21. Tác động của tình trạng đô thị hóa nhanh chóng được cảm nhận rõ rệt nhất là ở các nước đang phát triển, nơi diện tích xây dựng đô thị dự kiến tăng gấp 3 lần trong khi dân số đô thị tăng gấp 2 lần vào năm 2030.

Để đối phó với tình trạng đô thị hóa nhanh chóng và không thể tránh khỏi, điều các nước đang phát triển cần không phải là một chiến lược ngăn chặn hoặc hạn chế mà là quy hoạch ranh giới đô thị rộng rãi, bảo vệ có lựa chọn các không gian mở, và hoạch định giao thông vận tải tốt. Các chiến lược mới cần phản ứng một cách sáng tạo, đổi mới, bao gồm nhiều mô hình mới.

Hầu hết các thành phố được nghiên cứu đã mở rộng diện tích đô thị lên gấp 16 lần trong thế kỷ 20. Từ năm 1990 đến 2000, tốc độ tăng diện tích đô thị hàng năm gấp 2 lần tốc độ tăng dân số đô thị.

Với đà này, dân số đô thị toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 4 thập kỷ tới, trong khi diện tích đất đô thị sẽ tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ.

Dự báo trong 20 năm tới, hơn 50% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị, trong đó các nước đang phát triển có mật độ dân số đông nhất, gấp đôi so với châu Âu và Nhật Bản, hai khu vực có mật độ dân số đô thị gấp đôi so với Mỹ, Canada và Australia.

Nghiên cứu cũng đề xuất sự phát triển bền vững của các thành phố cần dựa trên 4 tiêu chí: dự báo thực tế nhu cầu đất đô thị, giới hạn hào phóng các đô thị, bảo vệ lựa chọn các không gian mở, và mạng lưới các trục đường chính có thể đảm bảo giao thông thuận tiện.

Các mô hình đô thị chi phối hiện nay đều nhằm giảm và tiến tới loại trừ tình trạng nghèo đói ở đô thị, và cần 2-3 thập kỷ để giải quyết vấn đề này với chi phí và nguồn nhân lực lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục