Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại và tiện dụng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang phát sinh nhiều hành vi gian lận, rủi ro khiến người tiêu dùng lo ngại, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được.
Do vậy, thương mại điện tử muốn phát triển lành mạnh và bền vững rất cần có chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật còn khá phổ biến.
Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.
Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian. Đồng thời, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Chỉ cần một cái nhấn chuột, không khó để tìm thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm hàng hiệu với giá rẻ đến bất ngờ.
Ở một số trang điện tử, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ nhãn hiệu Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm... Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Theo đánh giá của ngành công thương, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
[Phát hiện hai website bán đồ hiệu giả doanh thu hàng chục tỷ đồng]
Chị Quỳnh Anh, nhân viên ngân hàng Techcombank, một "tín đồ" mua hàng online chia sẻ, một cửa hàng kinh doanh thời trang trên Facebook quảng cáo "giảm giá 50% cho sản phẩm" nhân dịp Ngày Phụ nữ quốc tế 8/3 nên chị đã đặt mua sản phẩm, trị giá gần 500.000 đồng.
Tuy nhiên, khi nhận hàng chị mới phát hiện sản phẩm không như mẫu chụp trên Facebook, hoa văn không sắc nét, màu sắc nhạt, các đặc điểm nhận dạng sản phẩm đều khác hàng “xịn.”
Sau đó, chị đã liên hệ với chủ hàng, không thể kết nối. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng qua Facebook như trường hợp của chị Quỳnh Anh không hiếm.
Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, cho rằng với đặc thù người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo, người mua đã thanh toán tiền trước, phần thiệt luôn là người mua và rất khó xử lý.
Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.
Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ. Việc này không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo cơ hội để thao túng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới.
Hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện tử...
Tuy nhiên, cũng còn một nguyên nhân khác nữa chính là nhận thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế, hoặc do nhu cầu, ham giá rẻ nên biết hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn mua.
Hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Kiến thức, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù hành lang pháp lý về thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013) đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung.
Vì vậy, để quản lý được hành vi gian lận thương mại điện tử, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP, tạo chế tài đủ mạnh nhằm bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời có kế hoạch hợp tác với các ngành liên quan để xóa tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng.
Để ngăn chặn vấn nạn này, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã, đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại… nhằm góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại điện tử, làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử bền vững.
Các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương cũng được phân công nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm, công khai, minh bạch; không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển bền vững thương mại điện tử ở Việt Nam./.