Cần chấm dứt tình trạng thông tư 'đá' nhau, gây cản trở doanh nghiệp

Theo ghi nhận của VCCI, quy định tại nhiều thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thiếu minh bạch, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần chấm dứt tình trạng thông tư 'đá' nhau, gây cản trở doanh nghiệp ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

“Thông tư, công văn” là hai dạng văn bản rất quen thuộc và quan trọng trong hoạt động áp dụng pháp luật của doanh nghiệp. Do đó, chất lượng của các văn bản này sẽ tác động đáng kể đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để nhận diện thực trạng chất lượng “thông tư, công văn,” với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam-Aus4Reform), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định tại thông tư, nội dung công văn của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi pháp luật.

Độ “vênh” còn nhiều

Theo ghi nhận từ VCCI, tình trạng “luật khung, luật ống” được hạn chế và các quy định tại văn bản cấp nghị định đã trở nên cụ thể, rõ ràng hơn. Và thông tư được ban hành để đảm bảo tất cả các quy định trong luật, nghị định được thực thi trên thực tế, được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm (như văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuế).

Tiếp tục gia hạn giảm phí, lệ phí cho đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19.

Dẫn chứng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt  Nam (VCCI) chỉ ra hầu hết trong quá trình áp dụng các luật về thuế, doanh nghiệp chủ yếu phải xem quy định tại thông tư để áp dụng.

Cần chấm dứt tình trạng thông tư 'đá' nhau, gây cản trở doanh nghiệp ảnh 2(Nguồn: VCCI)

Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay trên thực tế vẫn còn tình trạng thông tư ban hành cả điều kiện kinh doanh hay thậm chí thông tư quy định về thủ tục hành chính nhưng không được Luật, Pháp lệnh giao. Chưa kể, nhiều thông tư lại “vênh” với nghị định, thiếu tính thống nhất.

Minh chứng về điều này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nêu ra độ “vênh” giữa thông tư với nghị định và luật trong lĩnh vực của ngành, cụ thể Thông tư số 26/2016 và Thông tư số 36/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu: “Kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho cho nhóm sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm,” không theo cơ chế và phương thức quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm vì hai thông tư trên mang “tên” là kiểm dịch.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết ngay cả các thông tư của cùng một bộ vẫn bị “vênh," như Thông tư 48/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quy định kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu) với các Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 của Bộ (kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu…).

Mặt khác, ông Nam cũng chỉ ra giữa các bộ tình trạng thông tư “vênh” nhau cũng không ít, ví dụ Thông tư 48/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư 52/2015 của Bộ Y tế đều là quy định về kiểm soát/kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm xuất khẩu, nhưng phương thức quản lý rủi ro và kiểm tra là khác nhau hoàn toàn.

Nâng cao vai trò của cơ quan “gác cửa”

Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế thông qua việc đặt ra các mục tiêu cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thể hiện qua hàng loạt Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016; Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP hàng năm…

Theo đó, các cơ quan hoạch định chính sách đã hiện thực hóa các chỉ đạo này bằng cách sửa đổi, bổ sung/thay thế những văn bản liên quan đến kinh doanh. Song, cộng đồng doanh nghiệp cho biết mức độ cải cách chỉ thấy rõ ở các văn bản cấp nghị định trở lên.

Theo VCCI, khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần của các cải cách nêu trên. Trên thực tế, quy định tại nhiều thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đáng quan ngại hơn khi một số nội dung của công văn có tính chất quy định hay chất lượng công văn thể hiện việc hiểu, áp dụng, thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước có vấn đề.

“Điều này vô hình chung làm suy giảm tính hiệu quả trong các chiến dịch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi,” ông Tuấn trao đổi.

Do đó, ông Tuấn cho rằng đã đến lúc phải nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư. Quá trình soạn thảo thông tư cần được chuyên nghiệp hóa đồng thời có kiểm soát và chống xung đột lợi ích.

Mặt khác, đơn vị soạn thảo cần tăng cường cơ chế tham vấn thực tế để doanh nghiệp có thể tham gia và có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư, có cơ chế giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi.

“Cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế cũng như khuyến khích cơ chế khởi kiện hành chính và về lâu dài thì cần hạn chế ban hành thông tư,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục