Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thời gian gần đây, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu để đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động và đang gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi tôm hiện là sản phẩm “cứu cánh” cho xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thu mua bằng mọi giá
Trên thực tế từ vài năm qua đã xuất hiện tình trạng thương lái mua tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn với giá cao tại hầu hết các tỉnh có nuôi tôm.
Tuy nhiên, khoảng gần một tháng trở lại đây, tình hình này diễn biến phức tạp hơn nhiều. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.
Nếu trước đây, các thương lái chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg cũng được thu gom, xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái thu mua và không quan tâm đến kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích.
Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, gần hai tuần nay, nhiều nhóm thương lái Trung Quốc đến tận các hồ ở hạ lưu sông Bàn Thạch - vùng nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Phú Yên để mua gom tôm nguyên liệu số lượng lớn.
Các thương lái này liên tục đẩy giá. Theo đó, giá tôm thẻ bán tại hồ đang mức 150.000 đồng/kg, tăng 25.000-30.000 đồng/kg so với cách đây 10 ngày.
Bà Huỳnh Thị Năm, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Năm Rùm (chuyên thu mua thủy sản ở huyện Đông Hòa) cho biết các thương lái Trung Quốc luôn mua tôm với giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá của các doanh nghiệp Việt Nam mà không cần kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm.
Theo các chủ hồ tôm, trong khi các doanh nghiệp trong nước thu mua tôm loại 80 con/kg thì các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua loại 100 con/kg cũng với giá tương đương, thậm chí mua luôn cả loại 120 con/kg (tôm non).
Doanh nghiệp trong nước lao đao
Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, mặc dù, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư “bài bản” cho cơ sở sản xuất chế biến, ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, từng bước xây dựng hình ảnh về chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế nhưng các doanh nghiệp lại đang phải “đau đầu” với việc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu ngay chính tại vùng nuôi tôm trong nước.
Không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái đã khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt” với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu vì trước đây doanh nghiệp có thể thu mua 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng, nay chỉ còn thu mua được khoảng 20 tấn.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bá Hải (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết các thương lái Trung Quốc đến tận hồ mua trực tiếp tôm nguyên liệu rồi chở ngay sang Trung Quốc mà không phải đóng thuế nên họ liên tục đẩy giá tôm.
Tình trạng các thương lái Trung Quốc mua gom trực tiếp tôm nguyên liệu đang khiến các nhà máy chế biến thủy sản điêu đứng. “Thương lái Trung Quốc đi khắp nơi, vào từng ngõ ngách để mua gom thủy sản và đẩy giá lên cao. Nếu mình chạy theo thì bị lỗ mà không mua thì không có nguyên liệu sản xuất,” ông Hồng chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng than thở rằng, doanh nghiệp của ông đang trong cảnh thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, các hợp đồng do đó cũng bị trì trệ nhiều. Hiện, doanh nghiệp này đang phải đi khắp nơi để tìm mua tôm nguyên liệu và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị đang bị thiếu trầm trọng.
Nguy hiểm hơn, theo các doanh nghiệp Việt Nam, là thương nhân Trung Quốc thu mua cả tôm không đạt chất lượng, nhiễm tạp chất, kháng sinh… nên nhiều bà con nông dân đã tái sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Trong khi đó, ông Hồng cho biết, vì thiếu nguyên liệu nên dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp đang phải chịu lỗ.
Nguyên nhân là vừa phải mua nguyên liệu giá cao và phải đền nhiều hợp đồng do giao hàng không đúng thời hạn. “Hiện công suất của các nhà máy chế biến thủy sản trong nước chỉ hoạt động 40-50%, phần còn lại phải 'nằm chờ',” ông Hồng cho biết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep khẳng định, tình trạng thương lái thu mua tôm ồ ạt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các doanh nghiệp tôm trong nước sẽ không còn nguyên liệu để bảo đảm chế biến và cung cấp cho các thị trường trước mắt nên về lâu dài sẽ mất bạn hàng.
Ông Hòe nhấn mạnh, việc các thương lái gây rối loạn thị trường, khiến người dân thiếu thông tin có thể bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt vì lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch. “Trước đây, thời điểm này mỗi doanh nghiệp có hàng tấn trong kho làm nguyên liệu, nhưng nay không còn. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, họ không có tôm nguyên liệu để chế biến, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh,” ông Hòe cảnh báo.
Cần những giải pháp cấp bách
Tôm là sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản nói riêng và xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD (chiếm 37-40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) và đóng góp hơn 2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2013, nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan nên đã bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản khác như cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ. Tám tháng qua, xuất khẩu tôm đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, xuất khẩu tôm đang gặp một số thuận lợi như giá tôm trên thị trường thế giới tăng, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh. Nổi bật, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu vào Mỹ với tất cả 33 doanh nghiệp đều có mức thuế 0%.
Để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng tôm nuôi của Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, do không thể cấm được người nuôi tôm bán cho thương lái Trung Quốc mà chỉ cảnh báo nên để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp cần có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu.
Vasep cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc lưu thông; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành tìm biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường ở các địa phương nhằm kiểm soát tình trạng trên. Vasep vừa đề xuất Bộ Công Thương đánh thuế từ 10-25% giá trị đối với lô hàng tôm tươi xuất khẩu.
Đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng các thương lái tranh mua tôm nguyên liệu tại các địa phương để đưa sang Trung Quốc, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần có những giải pháp nhằm giúp bình ổn nguồn tôm nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm cũng như giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu tôm./.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi tôm hiện là sản phẩm “cứu cánh” cho xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thu mua bằng mọi giá
Trên thực tế từ vài năm qua đã xuất hiện tình trạng thương lái mua tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn với giá cao tại hầu hết các tỉnh có nuôi tôm.
Tuy nhiên, khoảng gần một tháng trở lại đây, tình hình này diễn biến phức tạp hơn nhiều. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.
Nếu trước đây, các thương lái chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg cũng được thu gom, xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái thu mua và không quan tâm đến kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích.
Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, gần hai tuần nay, nhiều nhóm thương lái Trung Quốc đến tận các hồ ở hạ lưu sông Bàn Thạch - vùng nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Phú Yên để mua gom tôm nguyên liệu số lượng lớn.
Các thương lái này liên tục đẩy giá. Theo đó, giá tôm thẻ bán tại hồ đang mức 150.000 đồng/kg, tăng 25.000-30.000 đồng/kg so với cách đây 10 ngày.
Bà Huỳnh Thị Năm, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Năm Rùm (chuyên thu mua thủy sản ở huyện Đông Hòa) cho biết các thương lái Trung Quốc luôn mua tôm với giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá của các doanh nghiệp Việt Nam mà không cần kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm.
Theo các chủ hồ tôm, trong khi các doanh nghiệp trong nước thu mua tôm loại 80 con/kg thì các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua loại 100 con/kg cũng với giá tương đương, thậm chí mua luôn cả loại 120 con/kg (tôm non).
Doanh nghiệp trong nước lao đao
Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, mặc dù, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư “bài bản” cho cơ sở sản xuất chế biến, ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, từng bước xây dựng hình ảnh về chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế nhưng các doanh nghiệp lại đang phải “đau đầu” với việc cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu ngay chính tại vùng nuôi tôm trong nước.
Không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái đã khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt” với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu vì trước đây doanh nghiệp có thể thu mua 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng, nay chỉ còn thu mua được khoảng 20 tấn.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bá Hải (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết các thương lái Trung Quốc đến tận hồ mua trực tiếp tôm nguyên liệu rồi chở ngay sang Trung Quốc mà không phải đóng thuế nên họ liên tục đẩy giá tôm.
Tình trạng các thương lái Trung Quốc mua gom trực tiếp tôm nguyên liệu đang khiến các nhà máy chế biến thủy sản điêu đứng. “Thương lái Trung Quốc đi khắp nơi, vào từng ngõ ngách để mua gom thủy sản và đẩy giá lên cao. Nếu mình chạy theo thì bị lỗ mà không mua thì không có nguyên liệu sản xuất,” ông Hồng chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng than thở rằng, doanh nghiệp của ông đang trong cảnh thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, các hợp đồng do đó cũng bị trì trệ nhiều. Hiện, doanh nghiệp này đang phải đi khắp nơi để tìm mua tôm nguyên liệu và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị đang bị thiếu trầm trọng.
Nguy hiểm hơn, theo các doanh nghiệp Việt Nam, là thương nhân Trung Quốc thu mua cả tôm không đạt chất lượng, nhiễm tạp chất, kháng sinh… nên nhiều bà con nông dân đã tái sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Trong khi đó, ông Hồng cho biết, vì thiếu nguyên liệu nên dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp đang phải chịu lỗ.
Nguyên nhân là vừa phải mua nguyên liệu giá cao và phải đền nhiều hợp đồng do giao hàng không đúng thời hạn. “Hiện công suất của các nhà máy chế biến thủy sản trong nước chỉ hoạt động 40-50%, phần còn lại phải 'nằm chờ',” ông Hồng cho biết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep khẳng định, tình trạng thương lái thu mua tôm ồ ạt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các doanh nghiệp tôm trong nước sẽ không còn nguyên liệu để bảo đảm chế biến và cung cấp cho các thị trường trước mắt nên về lâu dài sẽ mất bạn hàng.
Ông Hòe nhấn mạnh, việc các thương lái gây rối loạn thị trường, khiến người dân thiếu thông tin có thể bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt vì lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch. “Trước đây, thời điểm này mỗi doanh nghiệp có hàng tấn trong kho làm nguyên liệu, nhưng nay không còn. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, họ không có tôm nguyên liệu để chế biến, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh,” ông Hòe cảnh báo.
Cần những giải pháp cấp bách
Tôm là sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản nói riêng và xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD (chiếm 37-40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) và đóng góp hơn 2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2013, nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan nên đã bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản khác như cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ. Tám tháng qua, xuất khẩu tôm đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, xuất khẩu tôm đang gặp một số thuận lợi như giá tôm trên thị trường thế giới tăng, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh. Nổi bật, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu vào Mỹ với tất cả 33 doanh nghiệp đều có mức thuế 0%.
Để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng tôm nuôi của Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, do không thể cấm được người nuôi tôm bán cho thương lái Trung Quốc mà chỉ cảnh báo nên để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp cần có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu.
Vasep cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc lưu thông; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành tìm biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường ở các địa phương nhằm kiểm soát tình trạng trên. Vasep vừa đề xuất Bộ Công Thương đánh thuế từ 10-25% giá trị đối với lô hàng tôm tươi xuất khẩu.
Đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng các thương lái tranh mua tôm nguyên liệu tại các địa phương để đưa sang Trung Quốc, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần có những giải pháp nhằm giúp bình ổn nguồn tôm nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm cũng như giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu tôm./.
Thúy Hiền (TTXVN)