Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, những tài liệu, hiện vật được trưng bày lần này góp phần khắc họa, tái hiện lại diện mạo lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 1Chương trình trưng bày chuyên đề "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ nay đến hết tháng 7/2018. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã chính thức khai mạc sáng nay (12/4) và sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2018 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Cụ thể, triển lãm giới thiệu tới công chúng khoảng 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu có niên đại từ thời tiền sử đến thế kỷ 17-18. Những hiện vật được giới thiệu lần này thuộc nhiều loại hình (công cụ lao động, đồ trang sức, vật dụng trang trí…) được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: gốm, đồng, sứ, vàng...

[Phát hiện hóa thạch gấu có niên đại 120.000 năm tại Argentina]

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những tài liệu, hiện vật được trưng bày lần này góp phần khắc họa, tái hiện lại diện mạo lịch sử, văn hóa Việt Nam.

“Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học Việt Nam đã đóng góp nguồn tư liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và truyền thống văn hóa Việt Nam (đặc biệt là thời kỳ lịch sử từ thế kỷ 1-đầu thế kỷ 20). Đặc biệt, từ sau năm 1954, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu thêm nhiều nền văn hóa thuộc các giai đoạn khác nhau, lấp được những ‘khoảng trống’ về nghiên cứu lịch sử Việt Nam,” tiến sỹ Nguyễn Văn Cường khẳng định.

Hình ảnh một số hiện vật được trưng bày (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 2Linga bằng vàng. Trong văn hóa Champa, linga tượng trưng cho thần Shiva, biểu tượng của dương tính.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 3Trống đồng Sao Vàng, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.500 năm-2.000 năm), là chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất hiện biết ở Việt Nam (cao 86 cm, đường kính mặt 116cm). Hoa văn trang trí gồm sao 12 tia ở giữa và 11 băng trang trí hoa văn hình chữ N, vòng tròn kép, vạch ngắn song song, người hóa trang xen kẽ 4 ngôi nhà sàn mái cong... phản ánh đời sống, sinh hoạt của người Việt cổ trong thời kỳ dựng nước.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 4Sưu tập mũi tên đồng Cổ Loa. Các nhà khảo cổ học đánh giá Cổ Loa là tòa thành cổ nhất, có quy mô lớn vào bậc nhất và cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Kho mũi tên đồng và khuôn đúc mũi tên phát hiện được qua các đợt khai quật là bằng chứng vật chất làm sáng tỏ huyền thoại về thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 5Đèn gốm thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, được phát hiện tại Khánh Hòa. Văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc bản địa, là nền tảng hình thành nhà nước Champa.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 6Đồ trang sức (vòng, khuyên tai hai đầu thú, hạt chuỗi) bằng chất liệu thủy tinh, đá ngọc và vàng. Đây là hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đồng Nai, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 7Mô hình nhà bằng đất nung, thuộc nhóm hiện vật tìm thấy ở di tích thành cổ Luy Lâu và trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1- 3. Đây là chứng tích cho thấy, trong suốt hơn một nghìn năm người Việt không chỉ kiên trì đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc mà còn bền bỉ gìn giữ bảo tồn truyền thống văn hóa Đông Sơn và linh hoạt tiếp thu những thành tố văn hóa mới.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 8Tượng sư tử (văn hóa Champa, niên đại: thế kỷ 12-13) khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định). Hình tượng sư tử phổ biến trong điêu khắc đá Champa với tạo hình vạm vỡ. Trong văn hóa Champa, sư tử là biểu tượng của vương quyền, quý tộc và sức mạnh.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 9Vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý-Trần được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
Cận cảnh những ‘Báu vật khảo cổ học Việt Nam’ từ thời tiền sử ảnh 10Đồ gốm men khai quật tại tàu đắm Cù Lao Chàm. Tàu nằm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) ở độ sâu 70m so với mặt nước biển. Tàu có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ 15.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục