Cận cảnh lễ hiến tế Idul Adha của người Hồi giáo tại Indonesia

Lễ Idul Adha là một trong hai dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo và được coi như là Tết năm mới của các tín đồ theo đạo Hồi trên thế giới.
Chọn mua dê cho ngày lễ Idul Adha. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Người Hồi giáo trên toàn thế giới đang thực hành nghi lễ Eid Mubarak, hay còn còn gọi là Eid al-Adha, một trong hai dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo và được coi như là Tết năm mới của các tín đồ theo đạo Hồi.

Trong những ngày này, người Hồi giáo cùng nhau tập hợp lại trong bầu không khí vui tươi, tình nghĩa, thực hiện các nghi lễ cầu nguyện, tổ chức lễ hiến sinh để tỏ lòng tri ân Đức Allah và bày tỏ lòng sùng đạo tối cao.

Lễ Eid Mubarak được tổ chức hàng năm vào các ngày thứ 10, 11 và 12 của tháng 12 theo lịch Hồi giáo được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Các ngày này thay đổi theo từng năm và mỗi năm thường tiến lên khoảng 11 ngày so với năm trước đó. Ngày lễ năm nay rơi vào ngày 1/9.

Dịp lễ này kéo dài 3 ngày nhằm tưởng nhớ việc nhà tiên tri Abraham đã sẵn sàng hiến tế con trai cả của mình cho Thánh Allah. Tuy nhiên, thánh Allah đã ban cho ông một con cừu để thế mạng. Chính vì thế, vào dịp lễ Hiến sinh này, người Hồi giáo thường cầu nguyện và làm thịt cừu, dê, bò, hay lạc đà để tế sinh và để tưởng nhớ nhà tiên tri Abraham.

Tại Indonesia, lễ Eid Mubarak được gọi là Idul Adha. Từ trước lễ vài ngày, một số khu phố, nhà thờ và các địa điểm công cộng đã được người dân trưng dụng, họ dùng gỗ, dùng tre, quây lại làm những chiếc chuồng tạm để thả dê và bò chuẩn bị cho ngày lễ. Bò, dê, cừu là những con vật thường được dùng trong lễ hiến tế hay còn gọi là lễ hiến sinh.

Những gia đình khá giả hay các công ty, các doanh nghiệp tư nhân đều đóng góp một số tiền kha khá để mua dê hoặc bò, tập trung tại các điểm hiến sinh để làm lễ, sau đó mổ thịt chia cho những người dân nghèo.

Sáng sớm ngày lễ, người dân Hồi giáo ở Indonesia tập hợp tại nhà thờ, ngay trên đường phố hay những điểm công cộng có mặt bằng rộng rãi để cầu nguyện, thực hiện các nghi lễ của ngày lễ đặc biệt. Sau đó, mọi người cùng nhau xẻ thịt các con vật được hiến tế.

Ông Mafud, người phụ trách điểm lễ hiến sinh ở khu phố Senopati cho biết: “Tôi được một số gia đình và công ty tin tưởng giao cho việc tổ chức lễ ở đây và chia các phần thịt gia súc cho các nhà. Hôm nay, chúng tôi thịt 6 con bò và 4 con dê, chúng tôi sẽ chia phần cho 500 người. Chúng tôi muốn nhiều người được chia sẻ trong ngày lễ hôm nay."

[Trải nghiệm lễ Idul Adha thú vị của người Hồi giáo ở Indonesia]

Juli, một thanh niên đang chia những phần thịt bò cho biết: "Tôi đang chuẩn bị những phần thịt để lát nữa chia cho mọi người, có nhiều người nghèo sẽ đến đây để nhận một phần thịt cho bữa ăn của gia đình họ ngày hôm nay."

Hầu hết các chợ truyền thống tại Jakarta hôm nay đều đóng cửa. Người dân tham gia lễ ở nhà thờ và sau đó được nhận phần thực phẩm của lế hiến sinh để mang về nhà chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Là một trong hai dịp lễ lớn nhất trong năm của người Hồi giáo, lễ Idul Adha được mọi người mong chờ bởi nó cũng là một dịp xóa nhòa khoảng cách giàu nghèo giữa những người dân Hồi giáo ở Indonesia. Các tín đồ Hồi giáo cùng nhau sẻ chia sự ấm no và cầu mong sự bình an trong cuộc sống./.

Những hình ảnh về lễ Idul Adha do phóng viên TTXVN ghi lại:

Lễ cầu nguyện trên đường phố trong ngày lễ Idul Adha. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Những con bò được buộc ngay trên vỉa hè chờ lễ hiến sinh. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Dắt bò đến lễ hiến tế. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Những người đàn ông xẻ thịt con bò sau lễ hiến tế. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Thùng xe tải thành chuồng bò. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Cổng nhà thờ được quây thành chuồng dê, bò. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Chia thịt thành những phần nhỏ để phát cho người nghèo. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục