Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, báo cáo mới đây của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng của Quốc hội Mỹ nhận định rằng Mỹ có thể mất đi ưu thế quân sự của mình, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc và Nga.
Đây là lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ qua, sức mạnh quân sự của Mỹ bị nghi ngờ thực sự cả ở trong và ngoài nước. Mỗi năm, Mỹ dành khoảng 700 tỷ USD cho quân sự, nhiều hơn số tiền mà các cường quốc châu Á chi cho quân sự cộng lại.
Nếu một ngân sách khổng lồ như vậy vẫn không đủ thì phải kết luận rằng sai sót nằm trong cách tiếp cận của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề.
Từ khi nổ ra sự kiện Mùa xuân Arab và sự bất ổn của Trung Đông, các cường quốc châu Á đã cảnh giác với ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Nga, Trung Quốc, Pakistan và Iran đều phản đối Mỹ duy trì lực lượng quân sự ở Afghanistan, thậm chí Ấn Độ là đồng minh thân cận của Mỹ cũng nghi ngờ chính sách của Mỹ đối với khu vực này.
Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran cũng buộc các cường quốc châu Á phải suy nghĩ lại về cán cân quyền lực ở châu Á. Hành động hòa giải của châu Á có thể đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định lâu dài trên thế giới.
Từ thế giới đơn cực đến đa cực
Báo cáo do Ủy ban Chiến lược Quốc phòng quốc gia soạn thảo thừa nhận ảnh hưởng của quân đội Mỹ ngày càng giảm trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo trích dẫn các bình luận về chiến lược của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng quân đội Mỹ duy trì "sự cạnh tranh giành vị thế siêu cường duy nhất" ở trung tâm của chiến lược.
Do chủ nghĩa thực dân, các cường quốc châu Âu đã nổi lên như những người ra quyết định toàn cầu. Xét khía cạnh lịch sử, các cường quốc đã nổi lên từ các cuộc xung đột trên thế giới. Các cường quốc châu Âu xuất hiện từ các cuộc chiến tranh dai dẳng ở châu Âu và thời kỳ chủ nghĩa thực dân.
Sự kết thúc của hai cuộc Chiến tranh Thế giới đã sinh ra hai siêu cường mới và hai siêu cường này thống trị thế giới.
Sự xuất hiện của khái niệm "đại cường quốc" là một loại hiện tượng mới, trong đó bất cứ ai nổi lên như một người chiến thắng sẽ giành quyền bá chủ toàn cầu trong mọi vấn đề của thế giới.
Đại cường quốc có thể là một quốc gia hay một nhóm các quốc gia liên minh với nhau dựa trên đặc điểm cùng có lợi. Nhìn vào kịch bản hiện nay, người ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng cặp Nga-Trung có thể là một đối thủ tiềm năng trong cuộc đấu tranh giành vị thế siêu cường duy nhất này.
Câu hỏi quan trọng ở đây được đặt ra là, liệu thế giới có phải trải qua một tổn thất vô cùng to lớn nữa về người và của để một quốc gia tuyên bố giành chiến thắng hay không. Các đại cường quốc sẽ nổi lên nhờ cạnh tranh, cạnh tranh về kinh tế, quân sự, lối sống và các thỏa thuận liên minh.
[Mỹ-Trung và cuộc cạnh tranh chiến lược ở Nam Thái Bình Dương]
Trong cuộc đấu tranh của các siêu cường ở thế kỷ trước, sự tỉnh táo đã thắng thế và đã không nổ ra bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa hai cường quốc.
Điều tương tự cũng xảy ra giữa các đối thủ cạnh tranh mới. Trung Quốc với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của họ đưa ra các dự án cơ sở hạ tầng lớn và các giao dịch thương mại sinh lợi cho các nước đối tác.
Trung Quốc đã quảng bá sự trỗi dậy của họ thông qua các cách thức hòa bình, trong khi Mỹ, một quốc gia theo chủ nghĩa hiện thực làm mất lòng sẽ không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngay cả bằng các biện pháp hòa bình.
Đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển, khả năng kết nối và trao đổi thương mại lớn hơn là điều kiện tiên quyết. Kể từ khi Mỹ áp đặt một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, họ phải nhìn xung quanh để tiếp tục con đường toàn cầu hóa.
BRI của Trung Quốc là một khuôn khổ để đạt được Giấc mộng Trung Hoa bằng cách tạo ra một cộng đồng các quốc gia đã và đang gắn kết số phận kinh tế của họ với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tiếp tục làm tốt, tất cả những thành viên khác trong cộng đồng đó cũng vậy. Do đó, BRI có thể là một sự thay đổi lớn trong hệ thống kinh tế toàn cầu và châu Á có thể là trung tâm của kinh tế thế giới.
Mỹ đang mất vị trí ở đâu?
Tại một cuộc hội thảo mang tính học thuật tổ chức ở Mỹ trong năm nay, các cử tọa đã hỏi một nhà kinh tế cấp cao Trung Quốc, thời kỳ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục đến khi nào. Ông này mỉm cười và trả lời, "chừng nào Mỹ còn tiếp tục những hành động mang lại rủi ro trên toàn thế giới, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển."
Nước Mỹ đang thua vì những sai lầm của chính họ, hoặc có lẽ đó là kết thúc tự nhiên của chu kỳ siêu cường của Mỹ. Về kinh tế, Mỹ, người khởi xướng và ủng hộ thương mại tự do và chủ nghĩa tự do kinh tế đang hành động như một nhà nước bảo hộ thương mại.
Họ đã rút khỏi nhiều hiệp định thương mại khác nhau như TPP và dọa rút khỏi WTO và NAFTA. Mỹ, tiếng nói toàn cầu về các vấn đề nhân quyền, không còn là một phần trong Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Mỹ cũng thể hiện sự không sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề môi trường mà Mỹ đã từng đấu tranh cho nó, như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Những bước đi này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự lãnh đạo tinh thần mà Mỹ có được trên toàn thế giới. Mỹ đã rút khỏi các thỏa thuận mang lại hòa bình trên thế giới, như JCPOA. Điều này một lần nữa đã đặt vị thế của Mỹ trên thế giới trước sự nghi ngờ ngày càng gia tăng.
Bạn bè cũng như kẻ thù đều suy giảm lòng tin với Mỹ. Điều này đã dẫn đến việc các quốc gia tùy nghi hành động, như Pháp và Đức đã nhắc đến một "quân đội châu Âu" và các quốc gia khác đang tìm kiếm các đối tác thay thế và đáng tin cậy về an ninh và thương mại trong khu vực của họ.
Trung Quốc đang chuyển động nhanh chóng để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo toàn cầu này. Một mặt, Bắc Kinh đã khởi xướng dự án BRI cung cấp kết nối và thương mại cho các nước đối tác và mặt khác, họ tăng cường thương mại song phương bằng đồng nội tệ, do đó làm giảm sự phụ thuộc của họ cũng như của các đối tác vào giao dịch bằng đồng USD.
Thái độ hiện nay của Mỹ có thể là một hiện tượng tạm thời nhưng nó đã gây ra những hoài nghi lớn về việc Mỹ có thể dẫn dắt thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Có ý kiến cho rằng thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của Phục hưng châu Á, nơi châu Á sẽ nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu. Nhưng để làm điều đó, châu Á phải tăng cường hợp tác, tham vấn và giao thiệp ở cả bên trong và thế giới bên ngoài./.