"Cần cân nhắc nâng mức thuế suất thuế tài nguyên"

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cân nhắc việc nâng mức thuế suất tài nguyên trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 21/8, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc đối với việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên.

Nếu có tăng, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét mức tăng hợp lý, tránh gây “sốc” thị trường, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật; góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Số thu thuế tài nguyên năm 2009 là 19.392 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng số thu ngân sách Nhà nước; đến năm 2012 là 41.313 tỷ đồng, chiếm 5,58% tổng số thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế suất các loại tài nguyên, gồm: sắt tăng từ 10% lên 13%; titan: tăng từ 11% lên 16%; vàng: tăng từ 15% lên 22%; vonfram, antimoan: tăng từ 10% lên 18%; đồng: tăng từ 10% lên 15%; niken: tăng từ 10% lên 12%; đất làm gạch: tăng từ 7% lên 10%; cát: tăng từ 10% lên 11% (cho phù hợp với mức thuế suất của cát làm thủy tinh); đá, sỏi: tăng từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất ximăng); apatit: tăng từ 3% lên 5%; than: tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%...

Các nhóm tài nguyên không điều chỉnh thuế suất gồm nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên; nhóm hải sản tự nhiên; nhóm yến sào thiên nhiên; nhóm dầu thô và khí thiên nhiên, khí than...

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, thay thế cho Nghị quyết số 928 như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, về việc điều chỉnh mức thuế suất đối với các loại tài nguyên, còn nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trái với Tờ trình của Chính phủ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu về việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên tác động như thế nào đến đời sống người dân ở các vùng có khoáng sản, các địa phương có khoáng sản, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, việc đàm phán các hiệp định song phương và đa phương trong khai thác khoáng sản với quốc tế...

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, chuẩn bị thêm để trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sau. Trong đó, cần nhấn mạnh quan điểm: không khuyến khích khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên khoáng sản. Việc xuất khẩu thô tài nguyên cần được quản lý chặt chẽ, có quy hoạch, kế hoạch cụ thể.

Cũng trong buổi họp sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009-2013, đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014. Cuối buổi họp sáng 21/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục