Cần các giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giải pháp hữu hiệu để vực dậy kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Cần những giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế, tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, khơi thông dòng tiền, giải quyết "cục máu đông" nợ xấu, làm tan “tảng băng” bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội… là kiến nghị của nhiều đại biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, sáng 30/5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận.

Nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng


Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2013, cũng như các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; giảm lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, các đại biểu nhận định trong điều kiện kinh tế khó khăn, những kết quả đã đạt được là rất đáng trân trọng, thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng, Chính phủ đã điều hành quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đem lại nhiều kết quả tích cực như giá cả được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Đặc biệt trong bốn tháng đầu năm 2013, nền kinh tế đất nước có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ có nhiều tiến bộ, một số chính sách kích cầu hỗ trợ thị trường phát huy được tác dụng.

Các đ ại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) khẳng định báo cáo đã nêu khá rõ nét những mặt tích cực và hạn chế, tồn tại, những nhiệm vụ và giải pháp đang đặt ra cần giải quyết trong năm 2013.

So với năm 2012, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực hơn thể hiện qua các dự báo như lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại có bước cải thiện, xuất khẩu tăng.

Trong điều hành, Chính phủ đã chủ động và nỗ lực thực hiện các mục tiêu tổng quát về kinh tế xã hội năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), bước qua năm 2013, Chính phủ đã năng động, chủ động ban hành các nghị quyết hỗ trợ thị trường. Ví von tình trạng lạm phát trước đây như con ngựa bất kham, đại biểu nhìn nhận với điều kiện hiện nay, lạm phát không còn là con ngựa bất kham.

Theo đại biểu, nếu trước đây do bất ổn kinh tế vĩ mô, chính phủ không tiến hành được các biện pháp mạnh để tái cơ cấu kinh tế thì nay là thời điểm thuận lợi để tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn để hướng tới mục tiêu trung-dài hạn. Nếu bỏ lỡ cơ hội, loay hoay với những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy chốc lạm phát quay trở lại và lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

[Cử tri quan tâm theo dõi thảo luận về phát triển KTXH]


Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể trong vài ba năm nữa, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và quay lại thế phát triển như thời kỳ vàng son năm 1991, 1996, 2001, 2007.

Kinh tế không tăng trưởng được 7%-8% mỗi năm trong vài thập niên sẽ khó đạt mục tiêu công nghiệp hóa và không có tiền đề vật chất để giải quyết vấn đề tiến bộ xã hội -đại biểu quả quyết.

Số liệu thống kê vẫn chưa thực sự hợp lý

Trong thảo luận, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế xã hội năm 2013 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt để hoàn thành 11 trong tổng số 15 chỉ tiêu đề ra nhưng cần phân tích sâu sát về 4 chỉ tiêu còn lại không đạt được trong đó có chỉ tiêu về GDP.

Vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về một số số liệu chưa ăn khớp giữa báo cáo của Chính phủ với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) chứng minh: "đã từ nhiều năm nay, chúng ta chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp 1,5-2 lần GDP quốc gia. Vấn đề sinh tử hiện nay là giải quyết nợ xấu, tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của số liệu này là rất thấp."

Năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 10% nhưng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng 8,6%, trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Cùng thời gian, Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%, tháng 3/2013, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu khoảng 6%.

Cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lùi ngày áp dụng thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho đến ngày 1/6/2014. Nếu áp dụng thông tư 02, nợ xấu hiện tại của một ngân hàng có thể chỉ từ 3%-4% sẽ tăng lên 10-15% hoặc hơn nữa. Tồn kho bất động sản là bao nhiêu? Tại sao hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động các doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư, tài sản ngày càng giảm mà tạo việc làm mới vẫn đều đặn hàng năm từ 1,5-1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm giảm...

Ý kiến của nhiều đại biểu băn khoăn về số liệu thống kê là có cơ sở, không có số liệu đúng và đủ không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được, đại biểu Nguyễn Văn Hiến nhận xét.

Đề xuất các giải pháp vực dậy nền kinh tế

Sớm khắc phục khuyết tật của nền kinh tế, khôi phục niềm tin cho thị trường là ý kiến của các đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Trần Du Lịch khi đề xuất một số nhóm giải pháp cấp bách cũng như những giải pháp phục vụ cho mục tiêu trung và dài hạn để vực dậy nền kinh tế.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi tại kỳ này Quốc hội đưa ra được quyết sách gì khả dĩ ngăn chặn xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang diễn ra, chống lại sự trì trệ của nền kinh tế, vực dậy niềm tin cho thị trường.

Đồng tình với 6 nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu nhưng đại biểu cho rằng các nhóm giải pháp này chưa vững mạnh để vực nền kinh tế dậy. Đại biểu đề xuất 4 nhóm giải pháp, đó là trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng GDP 6,5%-7% trong 3 năm 2013-2015; có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công; thực hiện những giải pháp giảm, miễn thuế 3 năm (đến 2015); ngăn chặn bội chi ngân sách dưới mức 4,8% GDP.

Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như sử dụng một số hình thức để trả nợ các công trình đầu tư dang dở, ngân sách nợ, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ, khách sạn, nhà hàng. "Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỷ đồng nhà rỗi trong khi không có tiền làm quốc lộ, nguồn lực nhà nước đang bị lãng phí?" Cùng với nhận định này, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, không để doanh nghiệp có thị trường nhưng không tiếp cận được vốn.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng dòng tín dụng vẫn bị ách tắc, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thực hiện tái cơ cấu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, tập trung lành mạnh hóa doanh nghiệp nhà nước, có những giải pháp đồng bộ sớm khắc phục khuyết tật của nền kinh tế.

Từ những phân tích về nợ xấu, hàng tồn kho lớn, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị trước hết Chính phủ cần tập trung giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng tiền, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, khôi phục niềm tin cho thị trường, đi cùng với đó là kiềm chế lạm phát.

Nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp-nông thôn, chính sách tỷ giá, giá vàng, phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng... cũng được các đại biểu đề cập./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục