Chúng tôi về miền Trung đúng thời điểm lũ lụt dâng mức cao nhất sau những trận mưa bão liên miên từ đầu tháng Mười. Nhiều địa phương nước ngập mênh mông trắng trời, hàng ngàn ngôi nhà bị chìm, đường sá biến thành sông… Song, những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn không một ngày ngừng nghỉ công việc.
Một mặt lo bảo quản tài sản của đơn vị được an toàn đặt lên hàng đầu, mặt khác phải bám sát cơ sở kiểm tra thống kê tình hình thiệt hại của bà con để báo cáo kịp thời, trình Trung ương xem xét đưa ra các các biện pháp hỗ trợ bà con tái sản xuất sau lũ.
Các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chung tay cùng cả nước mang từng chai nước, miếng bánh, gói mỳ, những chiếc áo phao đến những bữa cơm tưởng như đạm bạc song lại đủ để no lòng cho người dân cầm cự qua những ngày cơ cực.
Những tình cảm chia sẻ cùng cộng đồng của các cán bộ chi nhánh càng thêm cảm động khi nhiều gia đình cán bộ cũng trong cảnh ngập lụt, bị nước lũ chia cắt.
[Ngân hàng Chính sách xã hội ủng hộ 1,4 tỷ đồng cho miền Trung]
Như ở Quảng Bình, thời điểm cao nhất có tới 80% nhà ở của cán bộ và thân nhân cán bộ bị ngập lụt. Nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng cũng sống trong cảnh bị nước lũ cô lập không thể đi được đến chỗ làm và thiệt hại đến nay vẫn chưa thống kê được.
Tại Quảng Bình, tính đến ngày 19/10, cả tỉnh có 1 thành phố và 7 huyện, thị xã thì có đến 3 đơn vị hành chính là Ba Đồn, Lệ Thủy và Quảng Ninh bị nước cô lập. Song, những khó khăn đó không cản được quyết tâm của cán bộ Ngân hàng Chính sách trong việc đảm bảo công tác tránh lũ, bảo vệ tài sản đơn vị, 24/24 giờ tại trụ sở cũng như phòng giao dịch đều có cán bộ trực. Với những địa bàn chưa bị nước lũ chia cắt như Minh Hóa, Tuyên Hóa... các phòng giao dịch huyện vẫn cử cán bộ đến làm việc đảm bảo mọi hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các tác nghiệp trên chương trình online được thực hiện bình thường.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng hoạt động trở lại các phiên giao dịch những nơi nước rút để kịp thời hỗ trợ vốn giúp người dân không bị gián đoạn sản xuất, một mặt triển khai thực công tác rà soát thiệt hại của các hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn để nhanh chóng rà soát, báo cáo mức độ thiệt hại vốn đầu tư tín dụng về Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương.
Những chuyến hàng hỗ trợ liên tục được chi nhánh mang đến kịp thời cho người dân vùng khó khăn trong những ngày qua. Hay như chỉ mới chiều qua (21/10), những cán bộ Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Bình đã cùng nhau hỗ trợ 500 suất cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba và Bệnh viện Y học dân tộc... Cùng với đó, các cán bộ ngân hàng cũng vội vã vận chuyển các nhu yếu phẩm kịp thời đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh để các chiễn sỹ bộ đội vận chuyển vào hỗ trợ người dân hiện vẫn đang bị cô lập trong nước lũ...
Trước đó, cán cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội đã mang hàng đến hỗ trợ người dân Tuyên Hóa và hôm nay (22/10) là đến với huyện bị thiệt hại nặng nhất của Quảng Bình đó là Lệ Thủy như mỳ tôm, bánh kẹo, xúc xích... Những món quà đó, không chỉ là từ sự gom góp của cán bộ chi nhánh mà còn được gom góp từ tình cảm của cán bộ, nhân viên các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội khắp nơi trên cả nước tự phát gửi về như hội sở chính, chi nhánh các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Long An, Thanh Hóa...
Địa phương nào có lũ, địa phương đó đều có bóng dáng và tấm lòng của những cán bộ áo hồng ấm áp và đong đầy yêu thương như chính biểu tượng trái tim hồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại Hà Tĩnh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi tận mắt chứng kiến Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lưu Văn Minh không quản khó khăn, tự mình chèo thuyền đưa nhu yếu phẩm đến tận tay người dân vùng lũ, động viên, chia sẻ bà con vượt qua trong gian khó.
Chị Hải, một người dân xóm Cầu Nủi, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà cảm động: “Giữa mùa lũ lụt ri, đã 3 ngày ni nỏ có chi ăn, nước thì ngập ngang nhà, chưa đoàn cứu trợ mô đến được. Thật mừng rớt nước mắt khi thấy một người chèo thuyền giữa mênh mông biển nước đến đưa cho nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, nước ngọt, mì tôm, cá khô, thuốc, nước mắm... Đặc biệt lại là một vị giám đốc của một ngân hàng vì người nghèo. Thật không gì cảm động hơn nựa! Cảm ơn anh, cảm ơn Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều lắm!”
Ở một số tuyến khác, các anh chị trong chi nhánh lại cùng đi thuyền máy, tiếp cận những người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên hay phường Văn Yên, thành phố Hà Tĩnh để đưa đến tận tay những người dân vùng rốn lũ, những thùng mì tôm, những chai nước suối, những bịch nến hay những bịch cá khô đã giúp người dân nơi đây cầm cự giữa tâm lũ đói rét.
“Mình xưa kia đã từng sống trong vùng lũ nên thấu hiểu được một miếng khi đói bằng một gói khi lo. Chính bởi vậy, cùng với việc chỉ đạo anh em bảo quản tài sản đơn vị, đảm bảo hoạt động tín dụng thông suốt ở những nơi chưa bị chia cắt, chi nhánh đã vận động anh em, chung tay hỗ trợ người dân các địa bàn bị ngập lũ,” Giám đốc Minh tâm sự.
Tính đến nay, đã có hơn 300 thùng mỳ tôm, 50 thùng nước uống, 30 thùng sữa tươi, 250 bịch xúc xích, nhiều thùng bánh mỳ, hàng trăm bịch nến cùng nhiều nhu yếu phẩm khác với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng được chuyển đến bà con vùng lũ.
Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã chủ động cử các Đoàn công tác kịp thời đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà hỗ trợ hộ cho đồng bào các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng.
Tình cảm ấy càng đong đầy, khi hiện nay, các đơn vị và cá nhân trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục chuyển tiền về công đoàn các tỉnh miền Trung để tham gia hỗ trợ người dân vùng lũ lụt. Cùng với đó, công đoàn cũng đã phát động ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương trên toàn hệ thống hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, với trách nhiệm của một ngân hàng dành cho người nghèo, người yếu thế, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đồng hành ủng hộ cho người dân các tỉnh miền Trung trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, góp phần giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ rà soát, thống kê thiệt hại do mưa bão gây ra để có những hỗ trợ nhất định, đồng thời bổ sung nguồn vốn để người dân vay vốn kịp thời khắc phục bão lũ.
Sự ấm áp đến từ trái tim và trách nhiệm của một cơ quan là cánh tay nối dài của Chính phủ hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách bằng phương pháp trực diện nhất là hỗ trợ vốn sản xuất mà cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội đang làm trong những ngày này đang nhân lên niềm tin cũng như nghị lực cho những người dân vững tin để bước tiếp trên con đường phía trước, dẫu biết còn nhiều khó khăn, gian nan vất vả.../.