Hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm… được bày bán gần như công khai trên mạng - đây là mặt trái của thương mại điện tử khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo ngại khi giao dịch, mua bán hàng hóa trên kênh này.
Chính vì vậy việc “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” cũng là chủ đề chính được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 18/4, tại Hà Nội.
Vấn nạn như... ung thư
Chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng từ “ Gucci fake 1” trên mạng sẽ cho ra vô số kết quả và đây cũng là lo ngại của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An liên quan đến công tác kiểm soát hàng giả, hàng nhái.
Nhắc lại câu nói của tỷ phú Jack Ma - ông chủ của Alibaba, “vấn nạn buôn bán hàng giả trên thương mại điện tử như vấn đề ung thư,” theo ông An, nếu không kiểm soát từ đầu nguồn (tức là từ doanh nghiệp) thì hiệu quả sẽ rất hạn chế.
Số liệu đưa ra tại hội thảo cho thấy, năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30%, với tổng mức doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử đạt trên 8 tỷ USD.
[Phát động chương trình Doanh nghiệp cam kết vì người tiêu dùng]
Song mặt trái của nó, theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử thời gian qua đã “tăng vô cùng đáng kể.” Chỉ tính số đơn nhận được từ cơ quan này trong năm vừa qua cho thấy, có tới 60% liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
Dù không nêu tên cụ thể, nhưng bà Quỳnh cảnh báo, tại một số doanh nghiệp lớn vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch của mình.
Mạnh tay mới xử lý được vi phạm
Chỉ ra những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực này, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đó là kinh doanh nhưng không đăng ký hay thông báo với cơ quan chức năng về website bán hàng. Thậm chí chất lượng khác xa so với quảng cáo.
Nói thêm về thủ đoạn mới, theo ông Linh, đã có hiện tượng một số công ty chuyển phát nhanh “vô tình” trở thành công cụ cho việc chuyển phát hàng lậu. Qua kiểm tra việc vận chuyển trên đường, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ được thực hiện bằng phương thức này.
Từ sự thay đổi nhanh chóng của thương mại điện tử, ông Linh đề xuất việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên Internet. Trong đó, một kiến nghị được ông nhắc tới chính là tăng nặng việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp.
Trong khi đó, ở phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử cũng gợi mở một số giải pháp, cụ thể là ràng buộc trách nhiệm của các chủ sàn trong việc nói không với hàng giả.
Về mặt quản lý chuyên môn, cơ quan này sẽ lưu ý hơn đến việc rà soát, phân loại các website thương mại điện tử nhằm tạo bộ lọc tốt hơn cho thị trường.
“Thời gian tới, Cục sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tiếp nhận khiếu nại trực tuyến sau đó chia sẻ tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng,” ông Tuấn nói.
Cũng tại hội thảo, 5 sàn thương mại điện tử lớn gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn đã ký kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" nhằm thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả.
Các đơn vị đã cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững./.